Mùa dịch Covid-19, một trong những câu chuyện nhức nhối, thậm chí đau lòng với rất nhiều doanh nghiệp chính là bài toán nhân sự. Đứng trên cương vị người chủ doanh nghiệp, quyết định cắt giảm lương, sa thải ai, giữ ai thực sự chưa bao giờ dễ dàng. Họ phải đấu tranh với chính mình, dù đôi khi nhận về chỉ trích và nỗi thất vọng từ người lao động.
Tuy nhiên, đứng trên cương vị của những người "làm công ăn lương", khủng hoảng cũng cho chúng ta cơ hội nhìn nhận lại chính mình, rằng ta có giá trị đến đâu, cống hiến đến mức độ nào, phù hợp với doanh nghiệp ra sao, để khiến ông chủ kiên quyết giữ lại trước cuộc chọn lọc khắc nghiệt kia.
Bạn là ai: Thỏ trắng, Chó săn, Chó hoang hay Zoombie?
Tại sự kiện trực tuyến Innovation Summit 2020 được tổ chức nhằm hiến kế cho các doanh nghiệp mới đây, ông Tony Dzung (Nguyễn Tiến Dũng), nhà sáng lập Langmaster, Tổng giám đốc trường Doanh nhân HBR đã chia sẻ mô hình nhân tài, trong đó chia nhân sự thành 4 loại, dựa theo hiệu suất và tiềm năng.
Nhóm 1 (Thỏ trắng): Những người có hiệu suất làm việc thấp, tiềm năng phát triển cao. Họ thường là sinh viên ra trường, có định hướng rõ ràng, thái độ tốt nhưng kỹ năng còn yếu. Các doanh nghiệp tiếp nhận nhóm nhân sự này cần đào tạo, huấn luyện.
Nhóm 2 (Chó săn): Những người có hiệu suất làm việc cao, tiềm năng phát triển cao. Trong doanh nghiệp, lãnh đạo chính là "Chó săn" đầu đàn.
Nhóm 3 (Chó hoang): Những người có hiệu suất làm việc cao nhưng tiềm năng phát triển thấp. Đối tượng này thường có tư duy kinh nghiệm, cố định và thiếu ý thức học hỏi. Họ tập trung vào mục tiêu của cá nhân hơn là mục tiêu đội nhóm, giống như những chú "Chó hoang".
Nhóm 4 (Zoombie/Quả táo thối): Những người có hiệu suất làm việc thấp và tiềm năng phát triển thấp. Đây là nhân sự thiếu cả năng lực và thái độ, không những không làm được việc mà thậm chí còn lôi kéo, chia rẽ sự đoàn kết. Họ giống như những con zoombie hay quả táo thối, lây lan văn hóa tiêu cực tới người khác.
Theo ông Dũng, chu kỳ của nhân sự trong doanh nghiệp thường đi từ Thỏ trắng, phát triển lên Chó săn, đến Chó hoang rồi trở thành Zoombie.
Mô hình này khá tương tự với mô hình nhân sự từng được Jack Ma chia sẻ. Nhà sáng lập Alibaba chia nhân viên thành 3 nhóm: Thỏ trắng, Chó săn và Chó hoang. Trong đó, Chó săn sẽ là những đối tượng được công ty trọng dụng và bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ cốt cán. Ngược lại, với Thỏ trắng và Chó hoang, nếu mãi không thay đổi, không phát triển thì sẽ bị đào thải.
Hiệu suất và tiềm năng thôi chưa đủ
Trong thời kỳ khủng hoảng như dịch Covid, chủ doanh nghiệp phải đảm bảo được 2 điều. Thứ nhất, giữ được nhân sự để đảm bảo dòng tiền, nuôi sống tổ chức qua khó khăn. Thứ hai, quan trọng hơn nữa, giữ được nhóm nhân tài cốt lõi, chính là những Chó săn, để họ đi với doanh nghiệp trên đường dài.
Nhưng không phải chó săn nào cũng phù hợp và giúp công ty phát triển.
"Năm 2014, tôi có tuyển về một nhân viên tư vấn. Tuy nhiên, khi thấy doanh nghiệp kinh doanh tốt, kiếm được nhiều tiền, còn tôi đang tập trung khởi nghiệp ở công ty thứ hai, thì cậu ta lôi kéo 50% nhân sự ra đi, vốn ban đầu có khoảng 1.000 người. Những người như vậy, hiệu suất làm việc cao, tiềm năng phát triển cao nhưng đi ngược với giá trị cốt lõi của công ty, sẽ là mối nguy cho doanh nghiệp", nhà sáng lập Langmaster kể lại bài học đau thương của chính mình.
Nhân tài được trọng dụng và có nhiều cơ hội thăng tiến là người có hiệu suất tốt, tiềm năng phát triển cao và có giá trị trùng với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của ông Dũng, đa số họ được đào tạo từ bên trong doanh nghiệp, cũng chính là đối tượng mà doanh nghiệp cần kiên quyết giữ lại trong mùa Covid.
Tổng kết lại, đối với người lãnh đạo, 3 tiêu chí để lựa chọn nhân sự ở lại, cùng đồng hành với doanh nghiệp thời khủng hoảng bao gồm: sự phù hợp với văn hóa; hiệu suất – hiệu quả làm việc và có khả năng thích nghi với sự thay đổi.
Vị doanh nhân này khẳng định, trong mọi thời kỳ, doanh nghiệp luôn cần những nhân tài phù hợp, hiệu suất làm việc và tiềm năng phát triển cao, gắn kết với tổ chức.