Hiện nay, các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực trong việc tìm kiếm những ứng viên sáng giá cho đội ngũ nhân sự của mình. Một trong những giải pháp được áp dụng phổ biến là xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Bài viết sau đây sẽ đào sâu về khái niệm và các bước thực hiện chiến lược tìm kiếm và giữ chân nhân tài này.
1. Thương hiệu tuyển dụng là gì?
1.1 Khái niệm “Thương hiệu tuyển dụng”
Thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Branding) là hình ảnh, uy tín của một doanh nghiệp dưới tư cách nhà tuyển dụng, đồng thời là yếu tố phản ánh các đặc trưng, văn hóa, môi trường làm việc,… tạo nên giá trị của công ty, tổ chức.
Thương hiệu nhà tuyển dụng chính là hình ảnh mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến các ứng viên để thu hút và giữ chân nhân tài. Đây cũng là chiến lược giúp cho doanh nghiệp trở nên khác biệt so với những đối thủ cạnh tranh khác.
1.2 Phân biệt Thương hiệu tuyển dụng và Thương hiệu công ty
Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn giữa thương hiệu tuyển dụng (Employer Brand) và thương hiệu công ty (Company Brand). Tuy nhiên, hai khái niệm này có một số điểm khác nhau sau đây:
- Thương hiệu tuyển dụng (Employer Brand): Mục đích tạo ấn tượng với ứng viên về doanh nghiệp dưới tư cách nhà tuyển dụng. Một số vấn đề thường được quan tâm như: Quy trình tuyển dụng như thế nào? Trải nghiệm ứng tuyển có gì đáng nhớ? Phản hồi kết quả phỏng vấn nhanh hay chậm?,…
- Thương hiệu công ty (Company Brand): Thường là ấn tượng nói chung của mọi người về doanh nghiệp, đó có thể là khách hàng, đối tác,...
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Employer Brand và Company Brand vẫn có nhiều sự tác động lẫn nhau. Không thể phủ nhận một thương hiệu công ty lớn mạnh sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng nên một thương hiệu tuyển dụng nổi bật.
Ví dụ: Google là nơi hội tụ những lập trình viên xuất sắc nhất hiện nay, vì họ đều mong muốn được làm việc dưới trướng công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Quá trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng và thương hiệu công ty cũng có một số điểm tương đồng và nguyên tắc áp dụng. Chẳng hạn, dù đối tượng là ứng viên hay khách hàng, doanh nghiệp cũng cần phải nắm bắt được insight, rồi mới đến định vị, truyền thông và tiếp đó là đánh giá, đo lường.
Xem thêm:
TẤT TẦN TẬT VỀ MÔ HÌNH ASK MÀ BẠN CẦN PHẢI BIẾT
CHI TIẾT QUY TRÌNH TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ CHUYÊN NGHIỆP, HIỆU QUẢ
2. Tầm quan trọng của thương hiệu tuyển dụng
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cạnh tranh khi tìm kiếm nhân tài, việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng có chiến lược và đạt hiệu quả sẽ mang đến không ít những lợi ích quan trọng như:
2.1 Tăng cơ hội thu hút nhân tài
Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng đóng vai trò chiến lược trong việc giúp doanh nghiệp, tổ chức thu hút được nhân tài. Những ứng viên tài năng luôn có nhiều cơ hội và sự lựa chọn, do đó để thành công giữ chân được họ, các công ty, doanh nghiệp cần cố gắng tạo được tên tuổi và uy tín trên thị trường tuyển dụng.
Theo khảo sát của LinkedIn, 75% ứng viên trước khi ứng tuyển đều sẽ tìm hiểu về thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nếu không thấy hài lòng, 69% ứng viên sẽ không nộp đơn, kể cả khi họ thất nghiệp. Kết quả khảo sát cũng cho biết, 83% nhà tuyển dụng nói rằng thương hiệu tuyển dụng đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình tuyển dụng nhân tài của họ.
2.2 Tiết kiệm thời gian, chi phí tuyển dụng
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng là cách hiệu quả giúp doanh nghiệp truyền tải những giá trị nổi bật vào tâm trí các ứng viên tiềm năng. Theo đó, khi có tuyển dụng, hầu hết ứng viên đều đã có những thông tin nhất định về doanh nghiệp của bạn.
Do đó, quá trình tiếp cận và thuyết phục ứng viên đồng ý với vị trí công việc sẽ dễ dàng hơn. Quy trình tuyển dụng cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn khi ứng viên đã quen thuộc với thương hiệu của doanh nghiệp.
Theo LinkedIn, các công ty, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu tuyển dụng mạnh hầu như đều tìm thấy các ứng viên chất lượng nhiều hơn 50%, quy trình tuyển dụng nhanh hơn cũng như giảm 50% chi phí cho mỗi đợt tuyển dụng.
2.3 Gia tăng chỉ số EVP (Employee Value Proposition)
Chỉ số EVP là giá trị tối ưu nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới khi xây dựng thương hiệu tuyển dụng. EVP thể hiện được giá trị của nhân viên, đồng nghĩa nếu chỉ số này tăng, thương hiệu của doanh nghiệp được nhân viên đánh giá cao, cũng như cho thấy họ có xu hướng muốn gắn bó lâu dài với tổ chức. Ngoài ra, còn tăng cơ hội họ sẽ giới thiệu những ứng viên khác tham gia ứng tuyển.
2.4 Giữ chân đội ngũ nhân sự hiện tại
Các nghiên cứu cho thấy, những nhân viên nhận được sự hỗ trợ, quan tâm đầy đủ từ doanh nghiệp sẽ có sự gắn kết lâu dài và đảm bảo hiệu suất công việc cao hơn. Xây dựng chiến lược Employer Branding hiệu quả chính là phương thức hữu hiệu giúp các doanh nghiệp ngăn chặn nạn “chảy máu chất xám” hiện nay.
Theo LinkedIn:
- 83% nhân viên quyết định rời bỏ công ty mà họ đang làm việc nếu nhận được lời mời từ một công ty khác có danh tiếng tốt hơn.
- Tỷ lệ nghỉ việc sau 6 tháng làm việc đầu tiên của nhân sự tại các công ty sở hữu thương hiệu tuyển dụng mạnh thấp hơn 40% so với các công ty khác.
2.5 Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Thương hiệu nhà tuyển dụng luôn đi liền với văn hóa của một doanh nghiệp. Bằng cách tạo ra một môi trường làm việc tích cực, với các chế độ phúc lợi, khen thưởng hấp dẫn cho nhân viên đạt thành tích tốt, doanh nghiệp có thể tạo cho các ứng viên ấn tượng tốt, cũng như nhận thức đúng đắn về thương hiệu của mình.
2.6 Quảng bá thương hiệu doanh nghiệp
Thương hiệu nhà tuyển dụng được phản ánh rõ nét qua mức độ sẵn sàng quảng bá của nhân viên về công ty mà họ đang làm việc. Các ứng viên trong quá trình tìm kiếm, sàng lọc đơn vị tuyển dụng thường sẽ tham khảo những đánh giá của nhân viên đã và đang làm việc tại nơi đó. Mạng xã hội ngày càng phát triển cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu qua hoạt động đăng tin tuyển dụng.
Xem thêm:
QUY TRÌNH ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN MỚI HIỆU QUẢ, CHUYÊN NGHIỆP CHO DOANH NGHIỆP
TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ: VAI TRÒ, QUY TRÌNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ
3. Các bước xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng
Quá trình xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng đầy đủ thường trải qua các bước sau đây:
3.1 Nhìn nhận về thực trạng doanh nghiệp
Trước tiên, muốn truyền tải thương hiệu tuyển dụng một cách tích cực, mạnh mẽ, các nhà quản lý nhân sự cần đánh giá chính xác và đầy đủ hình ảnh doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại ở một số phương diện cụ thể như: năng lực lãnh đạo, môi trường làm việc, chính sách phúc lợi đãi ngộ, văn hóa doanh nghiệp,… Từ đó giúp định hình được hướng đi tiếp theo phù hợp với sự phát triển của thương hiệu.
3.2 Xác định rõ chỉ số EVP
Thương hiệu tuyển dụng hướng đến mục đích thuyết phục ứng viên lựa chọn doanh nghiệp là nơi làm việc lý tưởng. Chỉ số EVP sẽ xoay quanh những lợi ích mà doanh nghiệp đưa ra nhằm khuyến khích người mới ứng tuyển, đồng thời tạo động lực để đội ngũ nhân sự hiện tại tiếp tục đồng hành và gắn bó lâu dài.
Khi đã có đánh giá đầy đủ, khách quan về tình hình thực tế của doanh nghiệp, phía quản trị nhân sự có thể khoanh vùng các yếu tố EVP và đưa ra kế hoạch cụ thể, để củng cố thế mạnh hiện tại và xây dựng các yếu tố khác độc đáo, ấn tượng hơn.
Để thiết lập một chiến lược Employer Branding thành công, bạn có thể dựa vào các câu hỏi sau để định vị chỉ số EVP hay giá trị nhân sự của doanh nghiệp:
- Vì sao nhân viên hiện tại lại lựa chọn doanh nghiệp của bạn?
- Điều gì đã giữ họ ở lại với công ty?
- Với tư cách nhà tuyển dụng, doanh nghiệp của bạn mang đến những giá trị nào cho nhân sự?
3.3 Quảng bá hình ảnh doanh nghiệp
Ngoài ngôn từ, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến hình ảnh thương hiệu để nâng cao hiệu quả truyền thông. Nhiều ứng viên cho biết, họ sẵn sàng tương tác nhiều hơn khi thấy hình ảnh của doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông.
Doanh nghiệp có thể đưa ra một số đoạn video hoặc hình ảnh chân thực, ví dụ các hoạt động nội bộ, khoảnh khắc thú vị của mọi người trong công ty hay ở các sự kiện lớn mang ý nghĩa cộng đồng,... Điều quan trọng là cần đảm bảo chất lượng hiển thị, cũng như nêu rõ thông điệp tích cực làm nổi bật thương hiệu. Từ đó giúp thu hút ứng viên và khích lệ nhân viên cống hiến, gắn bó với doanh nghiệp.
3.4 Sử dụng phương tiện truyền thông
Quảng bá thương hiệu tuyển dụng không chỉ quan trọng nội dung mà còn ở cách thức. Ở thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, khi lựa chọn doanh nghiệp để ứng tuyển, nhiều ứng viên chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng và xem đánh giá của cộng đồng. Vì vậy, nếu không lựa chọn được kênh truyền thông hiệu quả doanh nghiệp khó lòng thu hút ứng viên.
3.5 Tạo trang tuyển dụng của doanh nghiệp
Trang tuyển dụng được xem như bộ mặt của doanh nghiệp trong mắt các ứng viên, giúp nâng cao nhận thức của họ về thương hiệu của bạn. Do đó cần đảm bảo một số tiêu chí cơ bản cho website công ty như: giao diện thân thiện, tối ưu hóa quá trình đăng ký, tương thích với mobile, thể hiện hình ảnh, văn hóa doanh nghiệp,...
Đồng thời cần cập nhật thông tin trên trang web thường xuyên và kịp thời. Lưu ý không nên biến trang web tuyển dụng của doanh nghiệp thành một danh sách chỉ gồm những yêu cầu kỹ năng, kinh nghiệm cứng nhắc. Thay vào đó hãy tìm cách để biến nội dung trên trang trở nên sống động, gây ấn tượng hơn với ứng viên.
Xem thêm:
CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG MỘT MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC LÝ TƯỞNG
ONBOARD LÀ GÌ? TẤT TẦN TẬT VỀ QUY TRÌNH ONBOARDING NHÂN VIÊN MỚI
3.6 Thu hút sự công nhận từ cộng đồng
Những thông điệp của doanh nghiệp nếu không được bên thứ ba công nhận thì đều không mang giá trị thực tế hay thuyết phục. Để nâng cao giá trị thương hiệu tuyển dụng, doanh nghiệp có thể quảng bá về các giải thưởng, chia sẻ các cuộc gặp gỡ với ban ngành, đại diện từ Chính phủ, tổ chức workshop,...
3.7 Mô tả công việc rõ ràng, chính xác
Bản mô tả công việc là một phần không thể thiếu trong quy trình tuyển dụng nhân sự. Việc đưa ra JD rõ ràng, cụ thể giúp nhà tuyển dụng tìm kiếm được những ứng viên thật sự phù hợp, cũng như thể hiện được sự chuyên nghiệp.
Trong quá trình xây dựng bản mô tả công việc, HR và doanh nghiệp cần lưu ý:
- Nêu rõ vị trí tuyển dụng và tối ưu từ khóa tìm kiếm.
- Nêu rõ vai trò của vị trí tuyển dụng đối với doanh nghiệp.
- Đưa ra những đầu việc cụ thể, phù hợp với vị trí cần tuyển.
- Đề cập đầy đủ đến mức lương, phúc lợi và môi trường làm việc.
3.8 Kêu gọi nhân viên chia sẻ
Những nhân viên hoạt động tích cực có thể sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp, các vị trí tuyển dụng cho ứng viên mà họ cảm thấy phù hợp. Theo đó, quá trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng sẽ càng đạt hiệu quả khi có sự thúc đẩy hoạt động giới thiệu của nhân sự nội bộ. Kết quả, doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng được một đội ngũ nhân sự mới chất lượng, mà còn truyền bá hình ảnh một cách rộng rãi.
3.9 Mang đến cho ứng viên những trải nghiệm thú vị
Trong quá trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng, doanh nghiệp nên khuyến khích và đưa ra những chế độ đãi ngộ, quyền lợi hấp dẫn để thu hút ứng viên, cũng như giữ chân đội ngũ nhân viên hiện tại. Ngoài ra hãy chủ động thu thập những trải nghiệm, ý kiến tích cực của nhân viên và đăng lên các phương tiện truyền thông.
3.10 Đánh giá và đo lường hiệu quả
Đo lường mức độ hiệu quả chiến lược Xây dựng thương hiệu tuyển dụng là bước cuối cùng không thể thiếu. Theo đó, cần quan tâm đến một số chỉ số dưới đây sau khi đã tiến hành xong quy trình xây dựng Employer Branding:
- Mức độ gắn kết của nhân viên trong công việc?
- Tỷ lệ nhân viên ở lại với doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian thử việc?
- Chất lượng của đội ngũ nhân sự mới được tuyển vào?
- Chi phí bỏ ra để tuyển dụng từng nhân sự?
- Thời gian tuyển dụng là bao lâu?
Như vậy, thương hiệu tuyển dụng là một yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với các doanh nghiệp trong việc xây dựng đội ngũ nhân sự vững mạnh. Hy vọng những chia sẻ trên đây của Tiếng Anh giao tiếp Langmaster sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ khái niệm và quá trình xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng nhé!