Hiện nay, ASK là một trong những mô hình được doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất, để đánh giá năng lực của mỗi nhân viên. Vậy bạn đã thực sự hiểu rõ về mô hình ASK chưa? Hôm nay hãy cùng Langmaster tìm hiểu tất tần tật về mô hình ASK qua nội dung bài viết dưới đây nhé!
1. Mô hình ASK là gì?
ASK (Bao gồm: Attitude - Skill - Knowledge) là một trong những mô hình tiêu chuẩn đánh giá năng lực nhân sự, được phát triển dựa vào những ý tưởng nền tảng của Benjamin Bloom – nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ (năm 1956).
Mô hình này được các doanh nghiệp sử dụng trong việc đánh giá năng lực của các ứng viên và xác định lương thưởng tương ứng. Ngoài ra còn giúp nhân viên có thể phát huy tối đa năng lực cũng như tố chất của bản thân.
2. 3 yếu tố chính của mô hình ASK
Mô hình ASK sử dụng 3 yếu tố chính sau đây để đánh giá năng lực nhân sự:
2.1 Attitude (Phẩm chất/thái độ)
Yếu tố này sẽ tập trung vào khía cạnh phạm vi tình cảm, cảm xúc của nhân viên. Đây là trạng thái tinh thần, nhận thức và hành vi của nhân sự khi tiếp nhận và xử lý công việc.
Yếu tố Attitude có thể được mô tả bằng nhiều từ khác nhau. Ví dụ: Sự tận tâm với nhiệm vụ, tinh thần khởi nghiệp và dấn thân, trung thực, sự đam mê,... Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rõ rằng tất cả những phẩm chất này đều cần thiết để có thể đạt được thành công và phát triển trong công việc.
2.2 Skill (Kỹ năng)
Là sử dụng những kiến thức đã học để hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Yếu tố Skill sẽ tập trung vào việc cá nhân biến kiến thức thành hành động cụ thể và thực tế trong quá trình làm việc. Các kỹ năng này đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu cá nhân và thành công trong công việc của nhân viên.
Ví dụ: Kỹ năng tạo ảnh hưởng, kỹ năng quản trị rủi ro,...
2.3 Knowledge (Kiến thức)
Là yếu tố thuộc về năng lực tư duy, thể hiện sự hiểu biết của mỗi cá nhân sau quá trình học tập, đọc hiểu, phân tích và ứng dụng. Năng lực tư duy của yếu tố này không chỉ liên quan đến các kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ mà còn bao gồm khả năng phân tích, suy luận, đánh giá, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Xem thêm: KPI LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KPI CHO NGƯỜI MỚI ĐI LÀM
3. Vai trò của mô hình ASK trong doanh nghiệp
3.1 Tăng hiệu suất sàng lọc, tuyển dụng ứng viên
Mô hình năng lực ASK giúp bộ phận quản lý nhân sự của công ty tuyển dụng được ứng viên tiềm năng một cách nhanh chóng bằng cách xác định kỹ năng, kiến thức và phẩm chất cần thiết cho từng vị trí công việc. Nhờ vậy giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và công sức trong quá trình tuyển dụng.
Mô hình ASK rất hữu ích trong việc sàng lọc và tuyển dụng nhân sự. Với tiêu chí “Ít nhưng chất lượng”, bộ phận tuyển dụng nhân sự cần dựa vào mục tiêu này để tìm ra các ứng viên tiềm năng phù hợp nhất. Chúng ta có thể phân chia các ứng viên này vào các talent pool tương ứng với 3 yếu tố chính của mô hình ASK để dễ dàng xuất dữ liệu bất cứ khi nào cần.
3.2 Thúc đẩy phát triển cá nhân và doanh nghiệp
Khi sử dụng mô hình ASK, cả cá nhân và doanh nghiệp đều sẽ được phát triển mạnh mẽ. Việc tìm hiểu và đánh giá năng lực giúp bạn nhận biết được điểm mạnh và yếu của bản thân, từ đó tập trung vào việc cải thiện chất lượng công việc. Khi nhân viên cải thiện năng lực cá nhân thì cả công ty sẽ có sự phát triển vượt bậc.
Hiện nay, nhiều công ty còn sử dụng mô hình ASK để làm “xương sống” cho thang bậc lương của nhân viên. Điều đó có nghĩa là, với những cá nhân có điểm cao khi đánh giá thì sẽ nhận được mức lương cao tương ứng và cơ hội thăng tiến sẽ tốt hơn. Từ đó , tạo động lực cho sự phát triển của mỗi cá nhân trong công ty.
3.3 Phân tích khoảng cách kỹ năng của nhân sự
Việc đánh giá kỹ năng nhân viên là vô cùng quan trọng cho sự phát triển các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không đánh giá chính xác thì sẽ tạo ra những lỗ hổng về kỹ năng nhân sự, gây ra những rủi ro lớn cho công ty.
Áp dụng mô hình ASK, các bạn có thể đưa ra dữ liệu đánh giá năng lực và phân tích khoảng cách kỹ năng của nhân sự. Nhờ đó, giúp chúng ta đưa ra những quyết định chính xác, tự tin hơn để điều hướng và phân bổ nhân viên, công việc một cách hợp lý nhất.
3.4 Xây dựng lộ trình cho nhân viên mới và đào tạo nội bộ
Bộ phận HR sẽ dựa vào 3 yếu tố chính của mô hình ASK để thiết lập một lộ trình nhập môn cho nhân viên mới hiệu quả nhất. Đây là một sự chọn lọc có chủ đích, tất cả nhân viên mới có thể dễ dàng hiểu rõ được về yêu cầu công việc.
Bên cạnh đó, mô hình ASK còn giúp quá trình đào tạo nội bộ trong công ty có một mục đích cụ thể. Nhờ vậy, mỗi cá nhân có thể hoàn thiện bản thân tốt hơn, tiến tới mục tiêu trở thành nhân viên lý tưởng.
Xem thêm: ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ? 9 CHIẾN LƯỢC ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU PHỔ BIẾN
4. Sử dụng mô hình ASK trong đánh giá năng lực nhân sự
Chúng ta có thể dựa vào 3 yếu tố chính của mô hình ASK để đánh giá năng lực nhân sự như sau:
4.1 Đánh giá dựa trên Attitude - Thái độ/phẩm chất
Đánh giá dựa trên Attitude - Thái độ/phẩm chất sẽ giúp xác định tính cách và cách làm việc của mỗi cá nhân. Có 5 cấp độ để đánh giá năng lực nhân sự dựa trên Attitude:
- Tích cực: Cá nhân có thái độ tốt, luôn có sự nỗ lực trong công việc và tìm cách giải quyết các vấn đề một cách thông minh, chuyên nghiệp.
- Không tích cực: Cá nhân có thái độ không được tốt lắm, không có sự nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề, dễ dàng từ bỏ trước khi đạt được mục tiêu.
- Xung đột: Cá nhân có thái độ xung đột, không chấp nhận ý kiến của đồng nghiệp và thường xuyên tranh cãi tại nơi làm việc.
- Lười biếng: Cá nhân có thái độ lười biếng, thường xuyên có sự trì hoãn trong công việc và không muốn hoàn thành công việc một cách chuyên nghiệp.
- Không đáng tin cậy: Cá nhân không đáng tin cậy, thường xuyên thực hiện công việc không đạt yêu cầu hoặc không hoàn thành công việc đúng thời hạn.
4.2 Đánh giá dựa trên Skill - Kỹ năng
Đánh giá dựa trên Skill - Kỹ năng thường sẽ xem xét các cấp độ sau đây:
- Kỹ năng cao: Là cấp độ cao nhất trong yếu tố Skill. Đây là những cá nhân đã có khả năng thành thạo đáng kinh ngạc về các kỹ năng chuyên môn.
- Thành thạo: Sự thành thạo đáng kể, với khả năng thực hiện công việc hiệu quả dựa vào những kỹ năng mà bản thân đang sở hữu.
- Thực hành: Những cá nhân đã có sự thực hành tốt đối với các kỹ năng, nhưng vẫn chưa đạt được sự thành thạo với kỹ năng đó.
- Đang phát triển: Những cá nhân đang phát triển tốt các kỹ năng và có khả năng học hỏi, cải thiện để các kỹ năng đó trở nên tốt hơn.
- Bắt đầu: Là cấp độ thấp nhất trong yếu tố Skill, những cá nhân chỉ mới bắt đầu trong việc tiếp cận và phát triển kỹ năng.
Đánh giá các cấp độ này sẽ giúp chúng ta xác định được năng lực và mức độ thành thạo của mỗi nhân viên. Bên cạnh đó, việc đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp có những kế hoạch đào tạo thích hợp để nâng cao và phát triển kỹ năng của từng nhân viên, từ đó đạt được mục tiêu chung.
Xem thêm: MBO LÀ GÌ? QUY TRÌNH QUẢN TRỊ MỤC TIÊU MBO HIỆU QUẢ
4.3 Đánh giá dựa trên Knowledge - Kiến thức
Đánh giá dựa trên Knowledge - Kiến thức là yếu tố cuối cùng của mô hình ASK, nhằm đánh giá kiến thức, năng lực của nhân viên. Để đánh giá năng lực dựa trên yếu tố này thì cần quan tâm đến các cấp độ sau:
- Chuyên gia: Những cá nhân có khả năng đưa ra những giải pháp đúng đắn, hiệu quả, có khả năng hiểu và đánh giá các vấn đề phức tạp.
- Hiểu biết tốt: Những cá nhân có vốn kiến thức sâu rộng về lĩnh vực nghiên cứu hay công việc.
- Hiểu biết mức độ cơ bản: Những cá nhân đã có kiến thức nền tảng về lĩnh vực nghiên cứu hay công việc.
- Hiểu biết hạn chế: Những cá nhân chỉ có một lượng kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu hay công việc. Tuy nhiên, những kiến thức này không đủ để có thể đưa ra được các quyết định đúng đắn.
- Không có kiến thức: Những cá nhân không có bất kì kiến thức gì về lĩnh vực nghiên cứu hay công việc.
Việc đánh giá năng lực dựa trên yếu tố Knowledge - Kiến thức sẽ giúp công ty, doanh nghiệp dễ dàng tìm ra người có năng lực phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Mặc khác, đánh giá bằng yếu tố này còn giúp doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp để phát triển năng lực cho nhân viên của mình.
Xem thêm: LẬP KẾ HOẠCH LÀ GÌ? 8 BƯỚC LẬP KẾ HOẠCH CÔNG VIỆC, HỌC TẬP ĐƠN GIẢN
5. Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi sử dụng mô hình ASK
5.1 Cá nhân hóa bộ từ điển năng lực của doanh nghiệp
Đây là cách xây dựng một bộ từ điển năng lực cho công ty, doanh nghiệp. Các bạn có thể bắt đầu từ những năng lực cơ bản và sát thực nhất với thực tế doanh nghiệp, rồi bổ sung và phát triển nâng cao dần. Lưu ý, không nên quá tập trung vào yếu tố Knowledge - Kiến thức, cần có sự cân bằng giữa ba yếu tố chính: Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức.
5.2 Tích hợp mô hình ASK trong công nghệ ứng dụng phỏng vấn
Tích hợp mô hình ASK trong công nghệ ứng dụng phỏng vấn sẽ giúp các bạn tốn ít thời gian hơn cho quá trình phỏng vấn. Ngoài ra, dựa vào ba yếu tố chính của mô hình ASK các nhà tuyển dụng cũng nhanh chóng chọn lựa được ứng viên phù hợp và triển vọng nhất. Với mô hình ASK, công ty còn có thể đánh giá năng lực nội bộ một cách chính xác và khách quan nhất.
Qua những nội dung mà Tiếng Anh giao tiếp Langmaster đã chia sẻ ở bài viết trên, chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ về mô hình ASK. Đừng quên áp dụng những kiến thức bổ ích này để có thể đánh giá năng lực nhân sự một cách chính xác và minh bạch nhất nhé!