Nhân tài là cốt lõi cho sự phát triển vững mạnh lâu dài của bất kỳ một tổ chức, doanh nghiệp nào. Vậy làm thế nào để thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả? Đó là câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp và quản lý đều cần tìm lời giải. Cùng đọc tiếp bài viết sau của Langmaster để nắm ngay bí quyết thu hút nhân tài thành công nhé!
1. Thu hút nhân tài là gì?
Nhân tài là những người có nền tảng kiến thức tốt, đưa ra ý tưởng và giải pháp hiệu quả, từ đó đóng góp nhiều vào quá trình tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp. Thu hút nhân tài là một chiến lược tuyển dụng nhân sự kiểu mới, nhằm tìm kiếm những ứng viên đạt tiêu chuẩn, mang đến giá trị và lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp.
2. Các giải pháp cho chính sách thu hút nhân tài của doanh nghiệp
2.1 Xác định các tiêu chí chính xác cần tuyển dụng
Tiêu chí tuyển dụng là những tiêu chuẩn, yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra cho ứng viên để xem xét, đánh giá mức độ phù hợp của họ với vị trí tuyển dụng. Việc xác định rõ ràng tiêu chí tuyển dụng có thể giúp doanh nghiệp:
- Giảm bớt thời gian, nguồn lực để tìm kiếm ứng viên.
- Tăng mức độ phù hợp của ứng viên với vị trí tuyển dụng cao hơn.
- Tạo ra yếu tố công bằng, minh bạch trong tuyển dụng.
Để đưa ra tiêu chí tuyển dụng phù hợp, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
- Xác định nhu cầu công việc cụ thể cho vị trí tuyển dụng.
- Sử dụng công cụ và quy trình đánh giá như bài kiểm tra, phỏng vấn,... để đảm bảo ứng viên đáp ứng tiêu chí đã đề ra.
- Tiến hành đánh giá liên tục về quá trình và tiêu chí tuyển dụng.
- Đảm bảo rằng đội ngũ tuyển dụng hiểu rõ và tuân theo tiêu chí tuyển dụng đã thống nhất.
- Đánh giá hiệu suất của ứng viên sau khi được tuyển dụng để đảm bảo họ phù hợp với công việc và tổ chức.
2.2 Lập kế hoạch tuyển dụng đủ thu hút
Một kế hoạch tuyển dụng có sức hút sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nhân tài và tăng tỷ lệ ứng viên tiềm năng trúng tuyển, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí tuyển dụng.
Vậy làm thế nào để lên một kế hoạch tuyển dụng thu hút nhân tài?
- Xác định nhu cầu tuyển dụng và tạo JD: Sau khi xác định rõ nhu cầu tuyển dụng (vị trí, kỹ năng, và kinh nghiệm), bạn cần tạo JD hay bản mô tả công việc chi tiết và phù hợp.
- Tạo kế hoạch chi tiết: Lập một kế hoạch cụ thể với trình tự các bước, thời hạn và nguồn lực cần thiết. Trong đó có xác định nguồn tuyển dụng, phương pháp tiếp cận ứng viên, lịch trình,…
- Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng: Thực hiện bằng cạnh tạo nội dung và chiến dịch quảng cáo về doanh nghiệp hấp dẫn để thu hút ứng viên.
- Sử dụng công cụ và công nghệ: Mục đích để quản lý quá trình tuyển dụng, tương tác với ứng viên một cách hiệu quả.
- Liên tục đánh giá và điều chỉnh: Đánh giá hiệu suất kế hoạch tuyển dụng và điều chỉnh nó theo thời gian để đảm bảo rằng nó vẫn đáp ứng nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp và thị trường lao động.
2.3 Sử dụng phương pháp tuyển dụng phù hợp
Doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều kênh và phương pháp tuyển dụng khác nhau để tăng cơ hội tiếp cận ứng viên tiềm năng, đồng thời mang đến trải nghiệm tuyển dụng tích cực. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần:
- Nghiên cứu kỹ thị trường lao động: Hiểu rõ thị trường lao động giúp xác định những kênh tuyển dụng phù hợp.
- Xác định kênh tuyển dụng thích hợp: Lựa chọn các kênh tuyển dụng phổ biến như web tuyển dụng, nền tảng mạng xã hội, các sự kiện trong ngành hoặc sự giới thiệu từ nguồn tin cậy.
- Tích hợp công nghệ: Sử dụng công nghệ để quản lý và theo dõi quá trình tuyển dụng, ví dụ như các hệ thống quản lý ứng viên (ATS).
2.4 Tôn trọng ứng viên như khách hàng
Tôn trọng ứng viên như khách hàng mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như: tạo dựng hình ảnh thương hiệu tuyển dụng tích cực, nâng cao trải nghiệm của ứng viên, thu hút nhân tài đảm bảo rằng tổ chức có nguồn nhân lực đáng tin cậy.
Một số lưu ý trong quá trình tương tác với ứng viên:
- Giao tiếp rõ ràng: Nêu rõ các thông tin về quá trình tuyển dụng, yêu cầu công việc, thời gian phản hồi, tránh để ứng viên mù mờ dẫn đến sai sót.
- Phản hồi chuyên nghiệp: Đánh giá và phản hồi về ứng viên một cách chuyên nghiệp và lịch sự nhằm giúp họ cải thiện.
- Tránh đưa ra quá nhiều hứa hẹn và không thực hiện: Hãy giữ lời hứa và đảm bảo rằng bạn thực hiện những cam kết đã đưa ra với ứng viên, ví dụ như gửi mail phản hồi, gọi điện cho ứng viên đúng thời gian đã hẹn.
- Thu hút phản hồi từ ứng viên: Khuyến khích ứng viên cung cấp phản hồi về quá trình tuyển dụng, để có thể cải thiện trải nghiệm của ứng viên và quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp.
2.5 Có chế độ đãi ngộ tốt
2.5.1 Trả lương dựa theo hiệu quả công việc
Nhà tuyển dụng cần phải xây dựng một chính sách lương, thưởng hấp dẫn dựa trên hiệu quả công việc để thu hút nhân tài. Bằng cách này, các ứng viên tiềm năng sẽ cảm thấy mức lương họ nhận được là thỏa đáng với năng lực đã bỏ ra.
Ngoài ra, dựa vào cách tính lương theo hiệu suất công việc, doanh nghiệp sẽ giữ chân được nhân tài gắn bó với công ty. Đồng thời đào thải những nhân viên có kết quả làm việc không tốt sau một thời gian nhất định.
2.5.2 Thực hiện chi trả các loại phụ cấp
Ngoài chính sách thu hút nhân tài từ lương thưởng, doanh nghiệp cũng cần xem xét thực hiện chi trả đầy đủ các loại phụ cấp cho nhân viên trong quá trình làm việc như: chi phí đi lại, gửi xe, ăn trưa, thiết bị làm việc,…
Ngoài những chi phí cần thiết này, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng những chế độ đãi ngộ khác như: tặng phiếu mua hàng, voucher giảm giá cho nhân viên khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm của công ty.
2.5.3 Áp dụng chế độ thưởng trước hoặc có điều kiện
Với hình thức trả thưởng trước kèm theo một số điều kiện bắt buộc cho nhân viên, doanh nghiệp có thể “chiêu mộ” thêm nhân tài từ nhiều nơi khác. Ngoài ra, công ty còn có thể thực hiện theo cách “treo” thưởng với nhân viên và sẽ trả cho họ trong thời hạn như đã cam kết.
Xem thêm: Talent Acquisition là gì? Vai trò và Nhiệm vụ trong Tuyển dụng Hiện đại
2.6 Cam kết đào tạo cho nhân viên
Để có một chiến lược thu hút nhân tài hiệu quả cho doanh nghiệp thì không thể thiếu việc triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn công việc, kỹ năng cho nhân viên. Đây là cách doanh nghiệp hỗ trợ nhân viên trong việc xác định mục tiêu, nắm bắt cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp của bản thân.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn tạo điều kiện để nhân viên gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia đầu ngành trong cùng lĩnh vực để lĩnh hội các kinh nghiệm thực tiễn. Áp dụng những kinh nghiệm, kiến thức hữu ích này vào công việc, nhân viên có thể mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần.
2.7 Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực
Văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố cốt lõi giúp xây dựng nên nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ nhân viên tiếp nhận những giá trị văn hóa riêng biệt là chiến lược giúp thu hút và giữ chân nhân tài trong doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Với văn hóa đủ tích cực và lớn mạnh, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng những ứng viên tiềm năng để tạo ra giá trị và lợi nhuận cho tổ chức. Một khi đã yêu thích và cảm thấy phù hợp với văn hóa công ty, ứng viên không chỉ bị thu hút mà còn sẵn sàng cam kết và cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.
3. Một số ví dụ về chiến lược thu hút nhân tài hiệu quả
3.1 Chính sách thu hút nhân tài của Singapore
Cốt lõi cho sự thành công của Singapore lấy nguyên tắc trọng dụng nhân tài (Meritocracy) làm đầu. Cụ thể:
- Triết lý bao trùm của Meritocracy là yếu tố đại đồng – mọi người đều có cơ hội như nhau để phát huy tài năng, năng lực và sở trường, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, giới tính và thành phần xuất thân.
- Ngoài ra, Chính phủ Singapore rất chú trọng đến việc công nhận và nuôi dưỡng tài năng từ khi còn nhỏ.
- Cuối cùng, hệ thống trọng dụng nhân tài ở Singapore đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình dựa trên các tiêu chí khách quan, hạn chế thiên vị và gia đình trị, củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống.
3.2 Chính sách thu hút nhân tài của Vinamilk
Các chính sách phúc lợi và đào tạo đã giúp Vinamilk trở thành nhà tuyển dụng hàng đầu không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. 5 chính sách thu hút nhân tài của Vinamilk đã được công ty đưa vào thực hiện đó là:
- Chính sách lương thưởng hấp dẫn: Mô hình tính lương công bằng dựa trên thành tích và kinh nghiệm, thiết lập các khoản thưởng linh hoạt, như thưởng hiệu suất, thưởng cuối năm và thưởng theo doanh số.
- Chính sách phúc lợi toàn diện, đầy đủ: Đầu tư cho các phúc lợi về sức khỏe, an toàn dành cho nhân viên.
- Chính sách đào tạo và phát triển mới mẻ: Xây dựng chính sách đào tạo và phát triển với mục tiêu mang đến cho nhân viên cơ hội hoàn thiện kỹ năng chuyên môn cũng như phát triển bản thân.
- Chính sách làm việc linh hoạt: Cho phép nhân viên làm việc từ xa, tự quản lý giờ làm, tận dụng nghỉ phép linh hoạt.
- Chính sách đãi ngộ hấp dẫn khác: Tổ chức các hoạt động xây dựng đội nhóm thường xuyên, du lịch mỗi năm, kỷ niệm sinh nhật, hỗ trợ tài chính trong các tình huống khó khăn như ốm đau hay tai nạn…
3.3 Chính sách thu hút nhân tài của Vingroup
Nhằm thu hút và giữ chân nhân tài, Vinagroup đưa ra những chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo cho nhân viên rất hấp dẫn:
- Chế độ đãi ngộ nhân viên qua lương, thưởng: Nhân viên tại Vingroup có mức lương trung bình từ 10-15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có các chế độ khen thưởng hằng tuần và hằng tháng cho các cá nhân, tập thể đạt được mục tiêu đề ra.
- Chế độ phụ cấp, phúc lợi: Có phụ cấp và phúc lợi nhằm hỗ trợ và chăm sóc nhân viên một cách toàn diện như phụ cấp ăn trưa, phụ cấp đi lại, kiểm tra sức khỏe định kỳ, quà tặng vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ Tết,...
- Đẩy mạnh quản lý, đào tạo đội ngũ nhân viên: Vingroup tổ chức các hoạt động quản lý và đào tạo liên tục. Mọi thành viên, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, đều được khuyến khích học tập và phát triển.
Xây dựng chính sách thu hút nhân tài hiệu quả là điều cần ưu tiên để tìm kiếm những ứng viên tốt nhất cho tổ chức, doanh nghiệp. Hy vọng bài viết trên của Langmaster đã phần nào giúp bạn đọc hiểu được thu hút nhân tài là gì, cũng như các giải pháp để thu hút và giữ chân nhân tài thành công.