Vấn đề tiền bạc, chi tiêu cá nhân luôn là một trong những mối bận tâm của không ít người hiện nay. Vậy tài chính cá nhân là gì? Vì sao cần phải biết cách quản lý tài chính cá nhân? Cùng giải đáp các câu hỏi này và tham khảo những phương pháp hỗ trợ việc quản lý chi tiêu hiệu quả qua bài viết của Langmaster nhé!
1. Tài chính cá nhân là gì?
Tài chính cá nhân bao gồm các vấn đề liên quan đến quản lý dòng tiền của mỗi cá nhân hoặc hộ gia đình, nhằm đáp ứng những mục tiêu ngắn hạn (ăn uống, sinh hoạt,…) và dài hạn (mua nhà, mua xe,...). Tài chính cá nhân thường liên quan đến một số vấn đề tài chính cụ thể như: thu nhập, chi tiêu, bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, đầu tư, tiết kiệm,…
2. Quản lý tài chính cá nhân là gì?
Quản lý tài chính cá nhân chỉ việc quản lý tiền bạc, bao gồm xây dựng ngân sách hàng tháng, theo dõi chi tiêu và thu nhập, điều chỉnh tiết kiệm, dành dụm đầu tư nhằm phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, khái niệm trên còn liên quan đến việc tìm hiểu một số loại sản phẩm tài chính như bảo hiểm, các dịch vụ ngân hàng, khoản vay, thế chấp và các công cụ đầu tư khác.
Xem thêm:
=> BỎ TÚI CÁC BƯỚC LẬP BẢNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ
=> 7 BƯỚC LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN HIỆU QUẢ, NHANH CHÓNG
3. Vì sao cần biết quản lý tài chính cá nhân?
3.1 Hiểu về tiền của mình
Quản lý tài chính cá nhân là cách giúp mỗi người hiểu về dòng tiền, cũng như nhận thức rõ về tình hình tài chính hiện tại của bản thân. Khi có thể kiểm soát được cách thức hoạt động của đồng tiền, bạn sẽ biết được mình có cần phải tìm thêm nguồn thu nhập hay cắt giảm chi tiêu hay không, hoặc xem xét khoản đầu tư tài chính nào phù hợp, tiết kiệm hợp lý mà vẫn tận hưởng được cuộc sống.
3.2 Định hình mục tiêu tài chính rõ ràng
Mỗi giai đoạn cuộc đời bạn thường sẽ gắn với những mục tiêu khác nhau. Việc quản lý tài chính cá nhân là rất cần thiết để bạn có thể định hình mục tiêu tài chính (bao gồm mục tiêu ngắn hạn, dài hạn) của bản thân một cách rõ ràng.
Khi biết cách quản lý tài chính, bạn có thể đặt ra các mục tiêu tài chính trong tương lai theo kỳ vọng như: mua nhà, mua xe, đầu tư… Không chỉ vậy, bạn còn biết được tính khả thi và thời gian cần mất bao lâu để đạt được những mục tiêu đó.
3.3 Chủ động tài chính trong mọi trường hợp
Tài chính cá nhân hầu như có liên quan trực tiếp tới mọi hoạt động của chúng ta trong cuộc sống. Nếu không biết cách kiểm soát, quản lý dòng tiền ra vào sao cho hợp lý thì sớm muộn gì các khoản tiền dự trữ trong gia đình cũng sẽ cạn kiệt. Thậm chí một số trường hợp tệ hơn còn rơi vào cảnh nợ nần, vay nặng lãi,...
Do đó, dành ra một khoản dự phòng trong quản lý tài chính cá nhân là việc hết sức quan trọng đối với bạn và cả gia đình. Vì bạn sẽ có thể chủ động tài chính trong mọi trường hợp bất ngờ, không may như tai nạn, bệnh tật,… Việc lập kế hoạch và quản lý tài chính chính là “bảo hiểm”, mang đến sự an tâm cho bạn và người thân.
👉 Ghi danh sớm để nhận những đặc quyền riêng: https://forms.gle/oodkkvPWfVf8cK8j6
3.4 Quản lý và hạn chế các khoản nợ
Trên thực tế, việc nợ nần đôi khi không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu “ôm” quá nhiều khoản nợ, “nợ mới chồng nợ cũ” thì chắc chắn nguồn tài chính của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Học cách quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn tránh các khoản bội chi, cũng như lên kế hoạch trả nợ từ từ một cách hợp lý.
3.5 Gia tăng tài sản của bạn
Việc am hiểu về dòng tiền và có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn lập được các mục tiêu tương lai, phát triển nhanh chóng khối tài sản hiện tại. Bạn sẽ có những khoản đầu tư đúng đắn và hợp lý, cũng như loại bỏ những khoản nợ không cần thiết, đảm bảo gia tăng khoản tiết kiệm một cách bền vững.
3.6 Nâng cao chất lượng cuộc sống
Quản lý tài chính hiệu quả chính là cách để cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn. Khi những nhu cầu thiết yếu, các khoản dự phòng rủi ro được đảm bảo, bạn sẽ có các khoản dư dả để đầu tư vào bản thân, tận hưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống khi thỏa mãn các sở thích cá nhân như du lịch, mua sắm…
3.7 Phát triển xã hội bền vững
Quản lý tài chính cá nhân không chỉ có ý nghĩa với cuộc sống của mỗi người, mà còn đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn xã hội.
Xem thêm: TỔNG HỢP 45+ THUẬT NGỮ TÀI CHÍNH TIẾNG ANH PHỔ BIẾN NHẤT
CÁCH ĐẠT ĐƯỢC TỰ DO TÀI CHÍNH TRƯỚC TUỔI 35
4. Những sai lầm phổ biến trong quản lý tài chính cá nhân
4.1 Không lên kế hoạch chi tiêu
Đây có lẽ là sai lầm phổ biến mà không ít các bạn trẻ ở độ tuổi 20-30 mắc phải. Nhiều người không có thói quen lập kế hoạch chi tiêu hằng ngày và thực tế cho thấy, nếu bạn không biết cách quản lý tài chính cá nhân hợp lý trong 1 tháng thì rất có thể bạn sẽ không có khoản dư để dự phòng các trường hợp cần kíp.
4.2 Không có phương án dự phòng tài chính
Một nguồn thu dự phòng hay một tài khoản tiết kiệm chính là “vị cứu tinh” mỗi khi bạn rơi vào hoàn cảnh không may như thất nghiệp, tai nạn,... Nếu chỉ có một nguồn thu nhập cố định mà không chủ động kiếm thêm thu nhập ngoài lề, hoặc tự lập một tài khoản tiết kiệm thì trong trường hợp rủi ro bất ngờ, bạn sẽ khó lòng mà xoay xở.
4.3 Chi tiêu vượt mức so với thu nhập thực tế
Nhiều người thường không xét tình hình thực tế mà sẵn sàng chi tiền để mua sắm vô độ. Tất nhiên, bạn có quyền tiêu xài theo mong muốn cá nhân, nhưng trên hết nếu tính đến lợi ích lâu dài, bạn cần dựa vào khả năng tài chính hiện tại để không “vung tay quá trán”, dẫn đến việc thâm hụt hay tệ hơn là nợ nần.
Không chỉ vậy, sở hữu vật chất đắt tiền cũng có nghĩa bạn phải chi trả thêm cho các khoản bảo dưỡng, duy trì không hề rẻ. Vì vậy, trước khi bỏ tiền mua những món đồ xa xỉ, bạn nên có sự cân nhắc kỹ càng hơn về những khoản chi này.
4.4 Lạm dụng thẻ tín dụng
Không thể phủ nhận thẻ tín dụng mang lại cho chúng ta nhiều tiện ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, nó có thể là “con dao hai lưỡi”, khiến bạn quá thoải mái trong chi tiêu mà không có sự kiểm soát đúng mức. Dần dần, bạn sẽ trở nên phụ thuộc vào việc vay mượn qua thẻ, cứ tiêu xài rồi lại phải gồng gánh khoản nợ - lãi cao.
4.5 Trì hoãn việc tiết kiệm
Một trong những sai lầm về tài chính cá nhân tiếp theo là trì hoãn việc tiết kiệm. Nếu bạn đã lên một kế hoạch chi tiêu rõ ràng thì tốt nhất là nên bắt tay vào thực hiện càng sớm càng tốt. Tài khoản tiết kiệm ở thời điểm hiện tại rất có thể sẽ giúp bạn sở hữu một căn hộ, chiếc xe mới,... trong tương lai đấy!
4.6 Không có quỹ khẩn cấp và quỹ hưu trí
Đa số mọi người đều bỏ qua khoản đầu tư này mà theo đuổi những mục tiêu tài chính to lớn hơn như mua nhà, mua xe,... Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng giá trị của các khoản hưu trí nằm ở thời gian tích lũy. Chính vì vậy, bạn nên sớm dành dụm cho quỹ hưu trí ngay từ bây giờ để có khoản tích lũy có lợi trong tương lai.
4.7 Không có nguồn thu nhập khác
Nhiều người cho rằng chỉ cần tập trung vào một công việc duy nhất và có một mức lương ổn định hằng tháng là đủ. Tuy nhiên, nếu bạn là một người hướng đến tự do tài chính và nghỉ hưu sớm thì việc chỉ có một nguồn thu nhập có thể là sai lầm.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập chính là cách giúp bạn tự tạo cho mình một khoản dự phòng cần thiết trong trường hợp khẩn cấp. Các khoản đầu tư và thu nhập thụ động sẽ là phương tiện đẩy nhanh quá trình hướng đến tự do tài chính của bạn.
4.8 Không có kế hoạch tài chính dài hạn
Để thực hiện những mục tiêu dài hạn, bạn cần lên kế hoạch tài chính dài hạn để có thể theo dõi và đánh giá năng lực tài chính trong từng giai đoạn. Nếu không lập kế hoạch tài chính dài hạn ngay từ sớm, bạn có thể sẽ mất đi thế chủ động trong việc điều chỉnh và ứng biến trước những thay đổi của nền kinh tế.
4.9 Không nắm rõ các đối tượng được chi tiêu
Nhiều người dùng không có thói quen lưu giữ các hóa đơn thanh toán, hay danh sách những khoản chi tiêu, mua sắm của mình. Trên thực tế, bạn nên nắm rõ mình đã bỏ tiền đầu tư vào những đối tượng nào, từ đó có thể đưa ra mức chi tiêu phù hợp và cân bằng tài chính cá nhân để không bị thâm hụt.
4.10 Trở thành nạn nhân của bẫy chi tiêu
Một người quản lý tài chính tốt đôi khi cũng có thể rơi vào những cái bẫy chi tiêu. Sau đây là một số bẫy chi tiêu thường gặp mà hầu như ai cũng mắc phải:
- Bẫy giảm giá và khuyến mãi: Ban đầu không có ý định mua nhưng khi thấy mặt hàng được giảm giá, nhiều người lại thay đổi suy nghĩ và mua hàng. Thói quen này có thể khiến bạn mua những món đồ không thật sự cần thiết.
- Bẫy phút chót: Mua sắm vào phút chót thường khiến người ta rơi vào tâm lý luống cuống. Khi không có nhiều thời gian để đắn đo, bạn thường vội chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để mua hàng.
- Bẫy chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm: Nhiều cửa hàng có chính sách giảm giá khi mua sắm đến một số tiền nhất định. Đây là cái bẫy khiến bạn phải mua nhiều mặt hàng hơn vì cho rằng bản thân được lợi. Tuy nhiên trên thực tế, bạn đã chi tiêu nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu.
- Mua sắm quá sớm: Tình trạng này thường xảy ra đối với những mặt hàng “hot”. Với tâm lý sợ sold out, bạn thường cố gắng mua sớm và chấp nhận cái giá cao ngất. Điều này có thể khiến bạn thâm hụt số tiền đã dự trữ.
5. Các nguyên tắc cần nhớ khi quản lý tài chính
5.1 Xác định nguồn ngân sách
Việc đầu tiên khi bạn muốn quản lý tài chính cá nhân là liệt kê ra tất cả các nguồn thu nhập hiện tại của bản thân. Việc liệt kê càng cụ thể sẽ giúp bạn có thể tính toán và phân bổ việc thu - chi một cách hợp lý. Nếu cần dùng một khoản lớn cho việc gì đó thì bạn cũng không cần lo thâm hụt vì đã có các nguồn thu khác bù vào.
5.2 Kiểm soát thói quen chi tiêu
Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, bạn cần hình thành thói quen kiểm soát chi tiêu theo từng ngày, tháng và năm. Từ đó xác định các khoản chi tiêu nào là cần thiết và có thể cắt giảm các khoản nào không cần thiết để cân bằng thu – chi.
Ví dụ, hằng tháng bạn phải tốn một khoản tiền nhất định đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như ăn uống, đi lại, thuê nhà. Đây là phần chi tiêu không thể cắt giảm được. Tuy nhiên, bạn có thể xem xét các khoản chi phụ khác như mua sắm, xem phim, du lịch,... và giảm bớt nếu cần khi muốn tiết kiệm.
5.3 Hạn chế lạm dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng với các hạn mức tín dụng, ít tạo áp lực chi tiêu cùng các ưu đãi thanh toán hấp dẫn. Đây có thể là một “cái bẫy lớn” khiến bạn dễ sa vào chi tiêu quá đà, sẵn sàng vung tiền cho các đợt “flash sale” mua sắm. Hãy nhớ khoản nợ trong thẻ tín dụng nên được thanh toán hằng tháng và tránh việc tiêu quá giới hạn thẻ.
5.4 Đầu tư sinh lời với số tiền nhàn rỗi
Khoản dự phòng không chỉ giúp bạn giải quyết các rủi ro phát sinh trong tương lai, mà đây còn là một khoản tiết kiệm bạn có thể sử dụng vào đầu tư sinh lời. Lưu ý là bạn cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn các kênh đầu tư tài chính an toàn, uy tín với hình thức như gửi tiết kiệm, tham gia các quỹ đầu tư tích lũy,…
5.5 Chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được
“Không nên tiêu vượt 10% số tiền kiếm được” là một trong những nguyên tắc tiêu dùng và quản lý tài sản đáng để bạn học hỏi. Hãy tiêu ít hơn số tiền thu nhập của bạn để có thể trích ra một phần dự phòng cho sau này. Ví dụ, nếu thu nhập của bạn là 3 triệu đồng/ tháng, bạn không nên mua chiếc áo có giá hơn 1,5 triệu đồng.
5.6 Tuân thủ và linh hoạt khi quản lý chi tiêu
Việc quản lý chi tiêu cần phải có sự tuân thủ mới có thể đạt hiệu quả. Đây là một quá trình đòi hỏi bạn phải có sự kiên nhẫn và thực hiện như một thói quen hằng ngày. Tùy theo khoản thu nhập, chi tiêu và nhu cầu khác nhau, trong nhiều trường hợp bạn cũng cần có sự linh hoạt để cân chỉnh tiền bạc sao cho phù hợp nhất.
5.7 Trích 10-15% khoản thu nhập mỗi tháng để tiết kiệm
Đối với những ai mới bắt đầu quản lý tài chính cá nhân, hãy bắt đầu bằng việc tiết kiệm ít nhất từ 10 – 15% nguồn thu nhập hằng tháng. Đây là một nguyên tắc cơ bản nhưng tính hiệu quả lại rất cao. Bạn cũng có thể nâng dần mức tiết kiệm nếu cảm thấy thu nhập hiện tại có dư nhiều, sau khi đã trừ đi hết phí sinh hoạt cơ bản.
5.8 Mua các quỹ phòng hộ hoặc bảo hiểm nhân thọ
Đây là một hình thức được nhiều người cân nhắc lựa chọn để đầu tư cho bản thân. Bởi các sản phẩm như quỹ phòng hộ hoặc bảo hiểm nhân thọ không chỉ giúp bảo vệ tài chính của người tham gia trước các rủi ro như tai nạn, bệnh tật… mà còn cung cấp các quyền lợi tích lũy và đầu tư. Người tham gia sẽ phải tập thói quen quản lý chi tiêu thật hợp lý để có một nguồn tiền dư dả cho việc nghỉ hưu.
5.9 Tìm kiếm thêm các nguồn thu nhập khác
Việc có nhiều nguồn thu nhập cùng lúc không bao giờ là thừa. Ngoài công việc chính, bạn có thể chủ động tìm thêm một số công việc ngoài giờ khác để tăng thu nhập tùy vào năng lực và quỹ thời gian của bản thân.
Chẳng hạn nếu có khả năng viết lách, tư duy tốt, bạn có thể lên các hội nhóm việc làm freelancer để tìm các công việc liên quan đến content, lên kịch bản video,... Lưu ý bạn cũng cần biết cách sắp xếp, quản lý thời gian hợp lý để làm tốt các công việc.
Xem thêm: 9+ KỸ NĂNG QUẢN LÝ THỜI GIAN HIỆU QUẢ TRONG CUỘC SỐNG
6. Các phương pháp quản lý tài chính hiệu quả
6.1 Sử dụng phương pháp 50/20/30
Quy tắc 50/20/30 là quy tắc phân chia thu nhập mỗi tháng thành 3 phần: 50% dành cho nhu cầu thiết yếu, 20% cho tiết kiệm và đầu tư, 30% còn lại để phục vụ nhu cầu, sở thích cá nhân. Cụ thể như sau:
- 50% cho chi tiêu thiết yếu: Bao gồm các khoản chi phí cơ bản bắt buộc trả theo định kỳ như tiền thuê nhà, tiền điện nước, xăng xe, ăn uống,... Các khoản chi cố định này sẽ chiếm phần lớn tổng thu nhập của một người.
- 20% vào tiền tích lũy: Khoản tiền này được dùng dự phòng các rủi ro tài chính có thể xảy ra trong tương lai. Bạn có thể bắt đầu bằng cách trích ra khoảng 10 – 15% thu nhập trong 2 – 3 tháng đầu tiên để thử nghiệm. Sau đó có thể điều chỉnh tăng dần tùy theo khả năng tài chính sau này.
- 30% cho nhu cầu khác: Khoản chi phí này phục vụ nhu cầu, sở thích cá nhân như mua sắm, giải trí,... Bạn có thể cân nhắc và cắt giảm ở khoản này để có thể tăng khoản dự phòng nếu có thể. Vì đây không phải là nhóm chi tiêu thiết yếu và có những khoản không đáng để bạn chi quá nhiều tiền.
6.2 Sử dụng quy tắc 6 chiếc lọ tài chính
Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính được thực hiện theo công thức quản lý tài chính cá nhân như sau:
- Lọ 1 – 55% thu nhập (Chi tiêu thiết yếu): Lọ đầu tiên này chiếm phần trăm lớn nhất vì phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, đáp ứng những nhu cầu cơ bản không thể thiếu. Nếu khoản này hơn 55% thu nhập, bạn cần phải điều chỉnh bằng cách cắt giảm cho phù hợp.
- Lọ 2 – 10% thu nhập (Tiết kiệm dài hạn): Khoản tiền ở lọ 2 này sẽ phục vụ cho những mục tiêu dài hạn như mua nhà, mua xe, kinh doanh, cưới xin… Lời khuyên là bạn nên trích ra một khoản thu nhập để dành hoặc nuôi heo đất, mở sổ gửi tiết kiệm… để không tiêu phạm vào số tiền này.
- Lọ 3 – (10% thu nhập) Quỹ giáo dục: Đầu tư để nâng cao giá trị bản thân không bao giờ là uổng phí. Bạn chỉ cần trích ra 10% thu nhập để tham gia các khóa học kỹ năng, chứng chỉ, workshop,… nhằm trau dồi kiến thức, chuyên môn cho bản thân, từ đó dễ dàng tăng cơ hội thăng tiến trong công việc.
- Lọ 4 – (10% thu nhập) Hưởng thụ: Đây được xem như khoản thưởng nho nhỏ cho bản thân nhằm tạo động lực cố gắng, duy trì tinh thần thoải mái để bạn tiếp tục làm việc và kiếm thu nhập. Hãy dùng khoản tiền này để làm những gì bạn thích như mua sắm, đi du lịch, chăm sóc bản thân,…
- Lọ 5 – (10% thu nhập) Quỹ đầu tư tài chính: Khoản tiền này được dùng để đầu tư, góp vốn kinh doanh, gửi tiết kiệm sinh lời, nhằm tạo nguồn thu nhập thụ động, giúp bạn đạt được mục tiêu tự do tài chính. Nên nhớ bạn không được tiêu khoản tiền này, mà cần tái đầu tư để tiếp tục sinh lời. Khoản dự trữ này sẽ giúp bạn trong trường hợp thất nghiệp hay rủi ro tài chính sau này.
- Lọ 6 – (5% thu nhập) Quỹ từ thiện: Quỹ này được sử dụng cho mục đích làm từ thiện, giúp đỡ người thân hoặc bạn bè. Tùy thuộc vào tình hình thu – chi mà bạn có thể gia giảm số tiền ở quỹ này. Tuy nhiên, hạn chế cắt bỏ hoàn toàn khoản này vì ai cũng cần sự sẻ chia trong cuộc sống.
6.3 Sổ tay Kakeibo – Phương pháp kiểu người Nhật
Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là sổ tay chi tiêu tài chính, được sáng lập vào năm 1904 bởi nữ nhà báo Hani Motoko (Nhật Bản). Với phương pháp này, bạn có thể ghi chép một cách chi tiết về những hoạt động chi tiêu và tiết kiệm của bản thân theo cách truyền thống, chỉ bằng một cây bút và cuốn sổ.
Cách quản lý tài chính cá nhân này của người Nhật không sử dụng các ứng dụng hiện đại. Mỗi khi đặt bút ghi chép chi tiêu, bạn sẽ phải dành thời gian suy ngẫm thêm lần nữa về các khoản này. Thực hành phương pháp sổ tay Kakeibo với 4 câu hỏi:
- Bạn hiện có bao nhiêu tiền?
- Bạn muốn dành dụm bao nhiêu tiền?
- Bạn sẽ tiêu bao nhiêu tiền?
- Bạn sẽ làm gì để cân bằng?
Xem thêm: MBO LÀ GÌ? QUY TRÌNH QUẢN TRỊ MỤC TIÊU MBO HIỆU QUẢ
7. Các tip quản lý tài chính cá nhân
7.1 Liệt kê các mục tiêu tài chính càng chi tiết càng tốt
Việc cụ thể hóa các mục tiêu tài chính giúp bạn sớm đưa ra kế hoạch phù hợp để thực hiện, đồng thời tạo động lực để bản thân quản lý tài chính tốt hơn. Các mục tiêu dài hạn có thể là mua nhà, trả các khoản nợ hoặc nghỉ hưu sớm. Với các mục tiêu ngắn hạn thì đơn giản hơn, ví dụ như tiết kiệm tiền đi du lịch, mua quần áo…
7.2 Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân
7.2.1 Kế hoạch tài chính cá nhân là gì?
Là kế hoạch được thiết kế nhằm giúp bạn tối ưu ngân sách, cân đối dòng tiền thu nhập – chi tiêu – tích lũy – đầu tư của bản thân. Bản kế hoạch này dựa vào tình hình tài chính hiện tại và có tính đến các sự kiện, rủi ro tài chính trong tương lai.
Bảng kế hoạch tài chính cá nhân bao gồm các mục sau:
- Mục tiêu
- Khoản thu chi theo ngày/tháng/quý/năm
- Khoản tiết kiệm, đầu tư
- Thời gian hoàn thành mục tiêu.
7.2.2 Các bước lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân chi tiết
Dưới đây là 5 bước hướng dẫn để có một kế hoạch tài chính:
Bước 1: Kiểm tra tình hình tài chính hiện tại của bản thân
- Thu thập hết các hoá đơn định kỳ trong vòng 6 tháng gần nhất.
- Ghi chú lại tất cả các khoản thu nhập trong 6 tháng gần đây.
- Phân chia chi phí định kỳ và các khoản chi tiêu đột xuất thành hai mục riêng biệt. Ví dụ: tiền thuê nhà, tiền nước, điện, internet, xăng xe, điện thoại,… là chi phí định kỳ; còn tiền thuốc, tiền sửa xe… là chi tiêu đột xuất.
- Xác định xem đâu là khoản chi thực sự cần thiết và đâu là khoản chi xa xỉ.
Bước 2: Tìm cách giảm bớt chi tiêu ở khoản nhu cầu thiết yếu
- Tìm kiếm các thương hiệu cung cấp nhiều ưu đãi tốt hơn đối với các sản phẩm hay dịch vụ định kỳ: cước phí di động, dịch vụ Internet, xăng dầu.
- Sử dụng các cách thay thế đỡ tốn kém chi phí hơn. Ví dụ, bạn có thể sử dụng Viber/ Skype/ Zalo cho nhu cầu liên lạc để không tốn cước phí điện thoại.
- Cắt giảm bớt các hình thức giải trí tốn kém hằng tháng như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh. Bạn có thể thử đổi sang xem các chương trình, phim ảnh với laptop và mạng Internet.
- Hãy tận dụng tối đa ưu đãi từ các phiếu giảm giá trong các dịp mua sắm.
Bước 3: Xác định những điều bạn mong muốn trong tương lai
- Việc xác định mục tiêu tương lai giúp mỗi người có thêm động lực để tiết kiệm và chi tiêu khoa học. Để không tự tạo áp lực quá lớn cho bản thân, bạn nên tập trung vào một mục tiêu duy nhất vào một thời điểm nhất định.
- Một số mục tiêu trong cuộc sống bạn có thể cân nhắc như: mua sắm nội thất, mua xe, lập gia đình, có con, học thạc sĩ, xây sửa nhà, đi du lịch…
Bước 4: Chia nhỏ các mục tiêu và thực hiện lần lượt
- Nếu ngân sách hiện tại không quá dư dả, bạn hãy chia ra thành từng mục tiêu nhỏ và tiết kiệm theo tháng hoặc theo quý để dễ thực hiện hơn.
- Hãy chia sẻ mục tiêu trong kế hoạch tài chính cá nhân của bản thân với gia đình, bạn bè và tìm kiếm sự giúp đỡ từ họ nếu cần.
- Nếu không thể thực hiện ngay lập tức, bạn có thể cân nhắc đến việc mua trả góp cho những món hàng lớn như xe hơi hoặc thậm chí là một căn nhà.
Bước 5: Đặt ra một ngân sách cho kế hoạch tài chính cá nhân
- Ngân sách này sẽ dành cho việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu ở bước 1 sau khi đã cắt giảm tối đa các chi phí khác. Tuy nhiên, không nên loại bỏ toàn bộ các nhu cầu giải trí hay mua sắm vì bạn sẽ thiếu cảm giác sống tận hưởng.
- Bạn có thể mở một tài khoản tiết kiệm riêng dành cho mục tiêu và cài đặt lệnh chuyển tiền tự động hằng tháng để tránh tiêu phạm vào khoản tiền này.
7.3 Nghiêm túc trả các khoản nợ tài chính, không để nợ xấu
Nợ nần có thể là trở ngại khiến bạn khó đạt được các mục tiêu tài chính, do đó bạn nên sớm có kế hoạch để trả các khoản nợ nhanh chóng. Tránh việc để nợ chồng liên tiếp khiến bạn không thể nào xoay xở để giải quyết.
Sau đây sẽ là một số cách giúp bạn trả nợ nhanh hơn:
- Bán những món đồ không dùng đến để kiếm thêm tiền cho việc trả nợ.
- Làm thêm các công việc khác để có thể tăng thêm khoản thu nhập cho bạn, giúp rút ngắn thời gian trả nợ.
- Cân nhắc các khoản chi tiêu mà bạn có thể cắt giảm ngân sách để tập trung tiền vào giải quyết các khoản nợ.
7.4 Xin lời khuyên từ chuyên gia
Khi bạn đã có một khoản tiết kiệm kha khá và muốn đầu tư để gia tăng khối tài sản hiện tại, hãy thử tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tài chính và nhận lời khuyên để có thể đưa ra quyết định đầu tư khôn ngoan.
Một cố vấn tài chính tốt sẽ giúp bạn nhận ra các rủi ro liên quan đến mỗi khoản đầu tư, cũng như tìm ra sản phẩm phù hợp với khả năng và nhu cầu hoàn vốn của bạn. Với lời khuyên sáng suốt, bạn sẽ đạt được mục tiêu tài chính nhanh nhất có thể.
Xem thêm: 12+ KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CẦN CÓ Ở MỘT NHÀ QUẢN TRỊ CẤP CAO
8. Các công cụ hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân
8.1 Sổ ghi chép
Một cuốn sổ nhỏ gọn sẽ là người bạn tuyệt vời giúp bạn ghi lại và theo dõi được những khoản chi tiêu lặt vặt trong ngày. Bạn có thể ghi trước đề mục, liệt kê các khoản cần mua sắm, chi tiêu trong ngày hôm sau và cuối ngày bổ sung số tiền vào. Đây là cách quản lý tiền nong thủ công khá nhanh gọn mà ai cũng thực hiện được.
8.2 Sử dụng bảng tính Excel
Bạn cũng có thể quản lý tài chính cá nhân bằng Excel trên máy tính. Ưu điểm chính là giúp giải quyết việc tính toán một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Với Excel, bạn chỉ cần dùng vài lệnh đơn giản là đã có thể tính toán được chi tiêu rõ ràng. Ngoài ra, công cụ Excel còn có chức năng vẽ biểu đồ, giúp bạn có thể so sánh chi tiêu của bản thân qua từng tháng và có kế hoạch điều chỉnh một cách phù hợp.
8.3 Sử dụng các app quản lý tài chính cá nhân
Hiện nay có rất nhiều app trên điện thoại có thể giúp người dùng theo dõi, quản lý chi tiêu một cách tiện lợi và nhanh gọn. Sau đây sẽ là một số ứng dụng phổ biến trong quản lý tài chính cá nhân bạn có thể tham khảo:
8.3.1 Money Lover
Money Lover là một ứng dụng tiện ích với các công cụ quản lý, theo dõi chi tiêu đơn giản và hiệu quả theo ngày, tuần, tháng, quý và năm. Ngoài ra, ứng dụng này còn giúp người dùng theo dõi biến động số dư và các giao dịch trên tài khoản một cách dễ dàng, nhờ liên kết với hơn 20 ngân hàng trong nước.
Một số tính năng quan trọng của Money Lover:
- Theo dõi, kiểm soát các khoản chi tiêu, thu nhập và hoá đơn hàng ngày.
- Hỗ trợ lập các kế hoạch chi tiêu theo tuần, tháng dễ dàng hơn.
- Liên kết với tài khoản của +20 ngân hàng tại Việt Nam, với độ bảo mật cao.
- Xem báo cáo tình hình tài chính qua hình ảnh, giúp bạn dễ nắm bắt thông tin.
- Tính năng nhắc nhở người dùng thanh toán hóa đơn tiền nước, tiền điện.
8.3.2 Spendee
Đây là ứng dụng cung cấp các công cụ hỗ trợ theo dõi chi tiêu hàng ngày, chia ra các khoản dành cho chi tiêu cá nhân, đám tiệc, bạn bè… Từ đó, người dùng có cái nhìn tổng quan hơn về các khoản thu chi theo ngày, tuần, tháng. Giúp bạn kiểm soát và quản lý chi tiêu hiệu quả hơn, cũng như tiết kiệm những khoản không cần thiết.
Một số tính năng chính của ứng dụng Spendee:
- Theo dõi chi tiêu cá nhân, cho phép đồng bộ với tài khoản ngân hàng.
- Dễ dàng đặt mục tiêu ngân sách, kê chi phí và tiết kiệm.
- Lập kế hoạch ngân sách cho cả gia đình.
- Chia sẻ ví với gia đình và bạn bè.
- Tùy biến ví với nhiều loại tiền tệ, mục đích khác nhau: du lịch, mua xe,...
8.3.3 MISA Money Keeper (MISA)
MISA là một công cụ tiện lợi, hỗ trợ giao diện bằng tiếng Việt dễ sử dụng và đơn giản, cho phép bạn quản lý chi tiêu trong gia đình một cách hiệu quả qua điện thoại.
Một số tính năng chính của ứng dụng MISA:
- Cho phép người dùng ghi chép lại các khoản thu/chi một cách đầy đủ.
- Tổng hợp các khoản chi tiêu theo từng sự kiện, dự án cụ thể.
- Theo dõi hoạt động vay/nợ của người dùng để nhắc nhở các mốc cần thanh toán, đảm bảo đúng và đủ khi đến kỳ hạn.
- Hỗ trợ quy đổi tỷ giá giữa các loại tiền tệ, ghi chép, quy đổi lượng tiền luân chuyển giữa các tài khoản.
- Báo cáo bằng biểu đồ trực quan, phân tích chi tiêu một cách rõ ràng.
Bài viết trên của Tiếng Anh giao tiếp Langmaster đã giải thích khá chi tiết khái niệm Tài chính cá nhân là gì, đồng thời chia sẻ các phương pháp giúp bạn đọc quản lý tài chính của bản thân một cách hiệu quả nhất. Đừng quên áp dụng để quản lý chi tiêu thật hợp lý và khoa học bạn nhé!