Thuế TNCN là một trong những vấn đề được rất nhiều người lao động quan tâm khi ký hợp đồng với công ty, doanh nghiệp... Vậy lương bao nhiêu phải đóng thuế? Làm thế nào để tính thuế TNCN chính xác? Cùng tìm hiểu tất tần tật về thuế TNCN để trang bị những kiến thức cần thiết trước khi đi xin việc bạn nhé!
1. Thuế TNCN là gì?
Theo luật Quản lý thuế 2019, thuế TNCN là khoản tiền bắt buộc được trích từ lương của cá nhân có thu nhập tính thuế để nộp vào ngân sách nhà nước. Cá nhân có thu nhập thấp không phải đóng thuế TNCN. Ngoài ra, thuế TNCN còn áp dụng với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hơn 100 triệu đồng (tính trong năm dương lịch).
2. Lương bao nhiêu phải đóng thuế TNCN?
Vậy cụ thể, lương bao nhiêu phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Căn cứ theo Luật Thuế TNCN 2007, sửa đổi, bổ sung 2012, đối tượng bắt buộc nộp thuế TNCN, là những cá nhân hiện cư trú có thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cả cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế tại lãnh thổ Việt Nam.
Đối tượng nộp thuế TNCN khi có các khoản thu nhập theo điều 3 Luật Thuế TNCN quy định bao gồm:
- Thu nhập từ kinh doanh.
- Thu nhập từ tiền công, tiền lương: Tiền công, tiền lương và các khoản có tính chất tiền công, tiền lương (bằng tiền hoặc không bằng tiền), các khoản phụ cấp, trợ cấp…
- Thu nhập từ đầu tư vốn: Tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần,…
Dựa theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế với thu nhập từ tiền lương, tiền công thì thu nhập tính thuế sẽ bằng thu nhập chịu thuế trừ các khoản giảm trừ gồm:
- Các khoản bảo hiểm, đóng quỹ hưu trí tự nguyện.
- Các khoản từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
- Các khoản giảm trừ gia cảnh: Giảm trừ 11 triệu đồng/tháng với cá nhân, 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.
Lương bao nhiêu phải đóng thuế? Người lao động có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công lớn hơn 11 triệu đồng/tháng (nếu không có người phụ thuộc) hoặc trên 15,4 triệu đồng (nếu có 1 người phụ thuộc) bắt buộc nộp thuế TNCN.
3. Mức nộp thuế TNCN quy định như thế nào?
3.1 Công thức tính thuế TNCN
Công thức tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo Luật Thuế TNCN quy định, được tính như sau:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x %Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
- Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn
Như vậy, để biết được chính xác số thuế phải nộp, người lao động cần xác định tổng thu nhập chịu thuế, các khoản được miễn và các khoản giảm trừ.
Theo Điều 22 Luật Thuế TNCN, thuế suất áp dụng theo biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động thời hạn từ 3 tháng trở lên):
Bậc 1 (0 - 5 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 5%
Bậc 2 (trên 5 - 10 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 10%
Bậc 3 (trên 10 - 18 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 15%
Bậc 4 (trên 18 - 32 triệu đồng/ tháng) → %Thuế suất: 20%
Bậc 5 (trên 32 - 52 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 25%
Bậc: 6 (trên 52 - 80 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 30%
Bậc: 7 (trên 80 triệu đồng/ tháng) → %Thuế suất: 35%
3.2 Ví dụ tính thuế TNCN thực tế
Chị B là nhân viên kinh doanh và nhà chị B có 1 người phụ thuộc. Trong tháng chị B không đóng góp từ thiện, nhân đạo, tiền đóng các khoản bảo hiểm là 2,1 triệu đồng thì thuế TNCN của chị B được tạm tính như sau:
Thu nhập chịu thuế của chị B: 20 triệu đồng
Chị B được giảm trừ:
- Giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân: 11 triệu đồng
- Giảm trừ gia cảnh cho 1 người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng
- Các khoản bảo hiểm bắt buộc: 2,1 triệu đồng
Thu nhập tính thuế của chị B sẽ là:
20 triệu đồng - 11 triệu đồng - 4,4 triệu đồng - 2,1 triệu đồng = 2,5 triệu đồng
Nếu chị B ký hợp đồng lao động trên 3 tháng thì thuế thu nhập cá nhân của chị B sẽ được tính theo biểu lũy tiến từng phần. Thu nhập tính thuế của chị B là 2,5 triệu đồng thì thuộc bậc 1 với thuế suất tương ứng là 5%.
Theo đó, tiền thuế TNCN chị B phải đóng là: 2,5 triệu đồng x 5% = 125.000 đồng.
4. Tiền làm thêm giờ có chịu thuế TNCN không?
Theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm sẽ được hưởng lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Như vậy, ít nhất bằng 150% vào ngày thường, ít nhất bằng 200% vào các ngày nghỉ hằng tuần,...
- Ngoài ra, theo Điều 4 Luật Thuế TNCN, khoản tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định pháp luật.
- Thu nhập làm thêm giờ, làm vào ban đêm được trả cao hơn so với thu nhập làm việc ban ngày, làm trong giờ thì thuộc đối tượng được miễn thuế TNCN.
5. Thử việc có phải đóng thuế TNCN không?
Theo Điều 3 Luật Thuế TNCN, phần thu nhập bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công… sẽ phải chịu thuế TNCN. Vì vậy, tiền lương thử việc cần nộp thuế TNCN.
Căn cứ khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người sử dụng lao động trước khi trả lương được quyền trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người lao động.
- Trường hợp thử việc với hợp đồng dưới 3 tháng
Với tiền lương, tiền công của người lao động từ 2 triệu đồng/lần trở lên, người sử dụng lao động khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho NLĐ.
Nếu tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải đóng thuế thì làm cam kết theo mẫu.
- Trường hợp thử việc ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên
Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định, thu nhập tính thuế được tính bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ: giảm trừ gia cảnh, giảm trừ với các khoản đóng bảo hiểm, đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Theo đó, nếu không có người phụ thuộc, người lao động có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 11 triệu đồng/tháng trở lên bắt buộc phải nộp thuế TNCN.
Trên đây là phần giải đáp cho câu hỏi “Lương bao nhiêu phải đóng thuế?”. Hiểu biết đúng về thuế TNCN sẽ giúp người lao động đảm bảo được quyền lợi của mình. Hy vọng qua bài viết trên của Langmaster, bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích cho hành trang tìm việc của mình nhé!