Khi đi làm, chắc chắn bạn sẽ phải quan tâm đến quyền lợi, chính sách phúc lợi của người lao động, đặc biệt là vấn đề đóng các loại bảo hiểm bắt buộc. Vậy bạn có biết người lao động sẽ tham gia các loại bảo hiểm khi đi làm nào không? Để tìm hiểu cụ thể hơn, hãy tham khảo bài viết chi tiết sau đây nhé!
1. Bảo hiểm bắt buộc
1.1 Khái niệm
Bảo hiểm bắt buộc là hình thức bảo hiểm theo quy định của pháp luật, yêu cầu người lao động và các tổ chức sử dụng lao động phải tham gia với một mức phí tối thiểu khi bắt đầu ký hợp đồng lao động. Các loại bảo hiểm phải đóng khi đi làm bao gồm có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
1.2 Vì sao cần đóng các loại bảo hiểm này?
Vậy đóng bảo hiểm khi đi làm để làm gì? Mục đích khi đóng bảo hiểm bắt buộc chủ yếu là để bảo vệ các lợi ích cộng đồng cũng như sự an toàn cho xã hội. Lợi ích cụ thể dành cho từng đối tượng:
- Về phía doanh nghiệp: Việc tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc đầy đủ thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như sự san sẻ những rủi ro mà doanh nghiệp thực hiện vì cộng đồng và xã hội.
- Về phía người lao động: Hình thức bảo hiểm bắt buộc sẽ là phương tiện, nhằm hỗ trợ và bảo vệ nhu cầu cũng như những quyền lợi chính đáng của họ trong quá trình tham gia lao động.
2. Bảo hiểm xã hội
2.1 Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là một trong các loại bảo hiểm khi đi làm bắt buộc phải đóng. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau: Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm, bù đắp cho người lao động trong các trường hợp bị suy giảm hay mất nguồn thu nhập xảy ra do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu, thai sản, ốm đau hoặc chết.
Bảo hiểm xã hội sẽ được chi trả cho người lao động trong các trường hợp kể trên, bằng hình thức trích một phần thu nhập hằng tháng của người lao động, kể từ khi ký kết hợp đồng lao động chính thức với doanh nghiệp.
2.2 Bảo hiểm xã hội có mấy loại?
Bảo hiểm xã hội được chia thành 2 loại như sau:
- Bảo hiểm loại bắt buộc: Là loại bảo hiểm xã hội được Nhà nước tổ chức, yêu cầu người lao động và các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động phải tham gia và tuân thủ một cách đầy đủ.
- Bảo hiểm loại tự nguyện: Là loại bảo hiểm xã hội được Nhà nước tổ chức, trong đó người tham gia bảo hiểm được phép tùy chọn mức bảo hiểm phù hợp với thu nhập của bản thân.
2.3 Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội
Các đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội gồm có:
- Người lao động là công dân Việt Nam.
- Người lao động là công dân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, có giấy phép lao động/chứng chỉ hành nghề cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Hợp đồng lao động phải có thời hạn ít nhất từ 1 năm trở lên.
- Người sử dụng lao động: Có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài.
Xem thêm: TÌM HIỂU TẤT TẦN TẬT VỀ CÁCH TÍNH LƯƠNG NET VÀ GROSS
2.4 Mức đóng bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội có mức đóng như sau:
- Người lao động: 10,5% trên mức lương cơ bản ký kết theo hợp đồng lao động.
- Doanh nghiệp: 21,5% trên mức lương cơ bản ký theo hợp đồng của người lao động.
2.5 Tra cứu bảo hiểm xã hội ở đâu?
Hiện tại, người lao động có thể thực hiện tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội của bản thân khá dễ dàng theo những cách sau đây:
- Xem trực tiếp trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Tra cứu qua tin nhắn;
- Tra cứu trên website của cơ quan Bảo hiểm Việt Nam;
- Tra cứu bằng ứng dụng của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2.6 Điều kiện để nhận lương hưu
Bảo hiểm xã hội sẽ được dùng để chi trả mức lương hưu cho người lao động khi đã đủ tuổi nghỉ hưu. Điều kiện để người lao động được nhận lương hưu như sau:
- Tham gia bảo hiểm xã hội 20 năm;
- Người lao động nam đủ 60 tuổi 3 tháng;
- Người lao động nữ đủ 55 tuổi 4 tháng.
Xem thêm: CÁCH DEAL LƯƠNG KHI PHỎNG VẤN KHÉO LÉO, HIỆU QUẢ
3. Bảo hiểm y tế
3.1 Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế nằm trong số các loại bảo hiểm khi đi làm áp dụng với các đối tượng theo quy định của pháp luật. Đây là hình thức bảo hiểm riêng biệt nhằm mục đích phục vụ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ chi trả cho người tham gia một phần hay toàn bộ chi phí y tế xảy ra do tai nạn hay bệnh tật, điển hình như chi phí phát sinh khi đi khám bệnh, tiến hành điều trị, phục hồi sức khỏe,...
3.2 Bảo hiểm y tế có các hình thức chi trả nào?
Đối với bảo hiểm y tế, đối tượng tham gia sẽ được tùy chọn cơ sở khám chữa bệnh (có thể thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh mới vào đầu mỗi quý), và được hưởng một phần hoặc toàn bộ chi phí tại cơ sở này.
Tùy theo mỗi trường hợp và đối tượng khác nhau, bảo hiểm y tế có thể sẽ hỗ trợ các mức chi trả khác nhau, cụ thể:
- Khi tham gia bảo hiểm y tế đúng tuyến: Nghĩa là bạn tham gia khám chữa bệnh tại đúng cơ sở y tế đã đăng ký trong bảo hiểm. Các mức chi phí được hỗ trợ từ 80%, 95% và 100% tùy vào các đối tượng và trường hợp quy định.
- Khi tham gia bảo hiểm y tế trái tuyến: Trường hợp này là bạn tham gia khám chữa bệnh tại cơ sở y tế khác với nơi đã đăng ký trước đó. Theo đó, bảo hiểm sẽ chi trả với mức hỗ trợ 40% trên tổng phí điều trị nội trú ở trung ương, và 100% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh và tuyến huyện.
Xem thêm: TỔNG HỢP 12+ VIỆC LÀM TIẾNG ANH MỨC LƯƠNG HẤP DẪN, HOT NHẤT
4. Bảo hiểm thất nghiệp
4.1 Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp cũng là một trong các loại bảo hiểm phải đóng khi đi làm, với mục đích hỗ trợ người lao động trong những trường hợp mất việc làm, đang học nghề hoặc người đang trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Bảo hiểm thất nghiệp này sẽ được chi trả theo quy định cho người lao động, dựa trên tổng chi phí mà người đó đã đóng cho Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng.
4.2 Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Luật Việc làm 2013 quy định, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp mỗi tháng như sau:
- Người lao động đóng 1% dựa trên tiền lương tháng.
- Người sử dụng lao động đóng 1% dựa trên khoản tiền lương tháng của người lao động.
Ngoài ra, mức đóng cụ thể sẽ dựa vào tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Người lao động tham gia chế độ lương do Nhà nước quy định: Mức đóng tối đa sẽ bằng 20 tháng lương cơ sở.
- Người lao động tham gia chế độ lương do người sử dụng lao động quy định: Mức lương tối đa bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
4.3 Cách tính bảo hiểm thất nghiệp
Mức tính bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng từ năm 2021 như sau:
Mức trợ cấp hàng tháng = tiền lương bình quân đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60% (không quá 5 lần mức lương cơ sở của NLĐ).
Ví dụ: Chị A thất nghiệp sau 36 tháng làm việc và chị có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ. Tiền lương trung bình đóng cho bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là 10.000.000đ. Vậy khi thất nghiệp, chị A có đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong 3 tháng tiếp theo, với mức trợ cấp hàng tháng sẽ là 6.000.000đ.
4.4 Điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp
Để nhận được bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên. Về thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chậm nhất là trong vòng 24 tháng kể từ ngày NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, khi đóng bảo hiểm từ 12 tháng đến 36 tháng, bạn sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp. Khoản trợ cấp này sẽ được tăng thêm 1 tháng nếu bạn đóng thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Lưu ý không được nhận trợ cấp quá 12 tháng.
4.5 Hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp
Để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bạn sẽ cần làm hồ sơ gồm có các loại giấy tờ sau:
- Mẫu đơn đề nghị được hưởng bảo hiểm thất nghiệp;
- Bản chính/ bản sao giấy quyết định thôi việc, chấm dứt hợp đồng, sa thải, kỷ luật buộc thôi việc, thông báo chấm dứt hợp đồng;
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- 2 ảnh 3x4;
- CMND, sổ hộ khẩu/giấy tạm trú (bản sao có công chứng).
Tìm hiểu về các loại bảo hiểm khi đi làm là cách để bạn trang bị kiến thức, đảm bảo những quyền lợi cơ bản thiết yếu khi ký kết hợp đồng lao động và làm việc tại doanh nghiệp. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng, giúp mọi người hiểu rõ về lợi ích cho bản thân trong quá trình làm việc.