Với những bạn mới ra trường, người chưa có nhiều kinh nghiệm xin việc, khái niệm lương Gross và lương Net chắc hẳn là khá xa lạ. Việc hiểu đúng bản chất của hai hình thức trả lương này sẽ giúp ích rất lớn cho bạn trong công cuộc đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Cùng trang bị hành trang xin việc với những kiến thức về lương Net và Gross trong bài viết chi tiết sau đây nhé!
1. Sự khác biệt giữa lương Net và lương Gross
1.1 Khái niệm
Lương Gross là tổng thu nhập hàng tháng mà người lao động được nhận, trong đó bao gồm cả lương cơ bản và các khoản khác như: phụ cấp, trợ cấp, hoa hồng, tiền đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Lương Net là tiền lương thực nhận hàng tháng mà người lao động được doanh nghiệp, công ty,... trả sau khi đã trừ đi hết toàn bộ các khoản chi phí Bảo hiểm và Thuế thu nhập cá nhân.
Xem thêm: TỔNG HỢP 12+ VIỆC LÀM TIẾNG ANH MỨC LƯƠNG HẤP DẪN, HOT NHẤT
1.2 Về các khoản bao gồm
Lương Gross bao gồm: BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%) và Thuế TNCN (nếu có).
Lương Net KHÔNG bao gồm: BHXH, BHYT, BHTN, Thuế TNCN.
1.3 Ưu điểm
Đối với hình thức trả lương Gross:
- Người lao động có thể chủ động trong việc tính toán mức lương của mình trong vòng một tháng làm việc.
- Quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo tốt hơn.
- Người lao động sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều vào người sử dụng lao động.
- Cải thiện năng suất làm việc và chất lượng lao động.
Đối với hình thức trả lương Net:
- Người lao động sẽ không cần tự tính số tiền chi trả cho các loại Bảo hiểm mà sẽ nhận đủ số tiền lương đã thỏa thuận trong hợp đồng. Thay vào đó, các khoản phí đóng Bảo hiểm sẽ do bên doanh nghiệp, công ty (người sử dụng lao động) tự tính toán và sau đó chịu trách nhiệm nộp cho Nhà nước.
- Doanh nghiệp, công ty (người sử dụng lao động) có thể quản lý số lượng lao động, quy mô lao động một cách dễ dàng. Tạo sự thuận lợi trong việc lên các chiến lược phát triển cũng như chính sách cho người lao động.
- Doanh nghiệp, công ty cũng có thể giảm bớt các khoản chi phí trong quá trình xây dựng và phát triển.
- Người lao động sẽ được hưởng trọn vẹn tiền lương hàng tháng mà không cần phải tính toán các khoản chi phí phát sinh khác.
1.4 Nhược điểm
Đối với hình thức trả lương Gross:
- Người lao động buộc phải nắm rõ công thức tính lương và thường xuyên cập nhật các khoản lệ phí Bảo hiểm để tránh nhầm lẫn không mong muốn.
- Doanh nghiệp, công ty (người sử dụng lao động) có khả năng gặp phải khó khăn trong quá trình quản lý số lượng, quy mô lao động. Việc hoạch định các chiến lược xây dựng, phát triển, làm báo cáo tài chính hàng năm và một số chính sách liên quan đến người lao động cũng có thể rắc rối hơn.
Đối với hình thức trả lương Net:
Vì doanh nghiệp, công ty sẽ đảm nhận trách nhiệm đóng các khoản lệ phí Bảo hiểm, chỉ trả số tiền lương đã trừ đi hết các khoản phụ khác cho người lao động. Vậy nên trong trường hợp này, mức đóng và mức hưởng sẽ bị thấp đi.
1.5 Chủ thể ưa chuộng
Lương Gross được người lao động ưa chuộng hơn.
Lương Net được người sử dụng lao động lựa chọn nhiều hơn.
Xem thêm:
=> TRỢ GIẢNG TIẾNG ANH LÀ GÌ? LƯƠNG TRỢ GIẢNG TIẾNG ANH BAO NHIÊU?
=> TỔNG HỢP CÁC CÁCH TÍNH LƯƠNG NHÂN VIÊN KINH DOANH
2. Cách tính lương Net và Gross chuẩn nhất
Từ lương Gross, chúng ta có thể quy đổi chính xác về lương Net theo công thức tiêu chuẩn như sau:
Lương Net = Lương Gross - (BHXH + BHYT + BHTN) - Thuế TNCN (nếu có)
Vậy cách tính lương Gross và Net cụ thể như thế nào?
2.1 Lương Gross đóng tiền bảo hiểm bao nhiêu?
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 về các quy định đóng Bảo hiểm, người lao động sẽ phải trích một phần tiền lương hàng tháng để đóng vào các quỹ BHXH, BHYT, BHTN với mức đóng cụ thể cho mỗi loại như sau:
- Bảo hiểm xã hội: 8%
- Bảo hiểm y tế: 1,5%
- Bảo hiểm thất nghiệp: 1%
Như vậy: Tiền đóng bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN) = 10,5% x lương Gross
Ví dụ: Bạn đi làm với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng là 15 triệu đồng, vậy số tiền bạn phải dành chi cho bảo hiểm là:
Số tiền để đóng bảo hiểm = 10,5% x 15 triệu đồng/tháng = 1,575 triệu đồng/tháng.
2.2 Cách tính thuế thu nhập cá nhân dựa trên lương Gross
Không phải người lao động nào cũng bắt buộc nộp thuế TNCN. Chỉ những người có mức thu nhập và điều kiện theo đúng quy định mới phải đóng thuế. Cụ thể:
Nếu cá nhân có mức thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng và sau khi đã giảm trừ các khoản gia cảnh, người phụ thuộc (mức 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc) mà vẫn còn khoản dư thì sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Công thức tính thuế như sau:
Tiền thuế TNCN = (Tổng thu nhập - Các khoản giảm trừ - Các khoản được miễn) x % Thuế suất
Trong đó:
- Các khoản được miễn gồm: bồi thường tai nạn lao động, tiền làm thêm giờ, tiền lương hưu,...
- Các khoản giảm trừ như:
Giảm trừ gia cảnh (đối với cá nhân người lao động = 11 triệu đồng/tháng và đối với người phụ thuộc = 4,4 triệu đồng/tháng).
Các khoản đóng bảo hiểm, đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học, quỹ hưu trí tự nguyện.
- Thuế suất áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần:
Bậc 1 (0 - 5 triệu đồng/tháng) → Thuế suất: 5%
Bậc 2 (trên 5 - 10 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 10%
Bậc 3 (trên 10 - 18 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 15%
Bậc 4 (trên 18 - 32 triệu đồng/ tháng) → %Thuế suất: 20%
Bậc 5 (trên 32 - 52 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 25%
Bậc: 6 (trên 52 - 80 triệu đồng/tháng) → %Thuế suất: 30%
Bậc: 7 (trên 80 triệu đồng/ tháng) → %Thuế suất: 35%
2.3 Ví dụ tính lương thực tế
Để hiểu thêm về cách tính lương khi nhận lương Gross, bạn có thể tham khảo ví dụ sau đây:
Chị M làm nhân viên kinh doanh cho công ty B với mức lương Gross là 25 triệu đồng/tháng. Như vậy:
Lương net thực nhận của chị M = 25 triệu đồng - các khoản đóng bảo hiểm - thuế TNCN (nếu có).
Trong đó:
Các khoản đóng bảo hiểm:
- Bảo hiểm xã hội: 25 triệu đồng x 8% = 2 triệu đồng
- Bảo hiểm thất nghiệp: 25 triệu đồng x 1% = 250.000 đồng
- Bảo hiểm y tế: 25 triệu đồng x 1,5% = 375.000 đồng
Như vậy tổng số tiền chị M phải trích để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc/tháng là:
2 triệu đồng + 250.000 đồng + 375.000 đồng= 2,625 triệu đồng
Thuế TNCN (nếu có):
Nếu nhà chị M có 1 người phụ thuộc, trong tháng chị M không đóng góp từ thiện, nhân đạo thì thuế TNCN của chị M trong tháng tạm tính như sau:
- Thu nhập chịu thuế của chị M: 25 triệu đồng
- Chị M được giảm trừ:
- Giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân: 11 triệu đồng
- Giảm trừ gia cảnh cho 1 người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng
- Các khoản bảo hiểm bắt buộc: 2,625 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế của chị M sẽ là:
25 triệu đồng - 11 triệu đồng - 4,4 triệu đồng - 2,625 triệu đồng = 6,975 triệu đồng
Nếu chị M ký hợp đồng lao động trên 3 tháng thì thuế thu nhập cá nhân của chị M sẽ được tính theo biểu lũy tiến từng phần. Thu nhập tính thuế của chị M là 6,975 triệu đồng thì thuộc bậc 2 với thuế suất là 10%.
Theo đó, tiền thuế TNCN chị M phải đóng là: 6,975 triệu đồng x 10% = 697.500 đồng.
Như vậy, số tiền chị M thực nhận mỗi tháng là:
25 triệu đồng - 2,625 triệu đồng - 697.500 đồng = 21.677.500 đồng
Xem thêm:
=> ĐI PHỎNG VẤN MẶC GÌ? CÁC TIP ĂN MẶC GHI ĐIỂM VỚI NHÀ TUYỂN DỤNG
=> NHỮNG KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN XIN VIỆC BẠN KHÔNG NÊN BỎ QUA
3. Nên deal lương Gross hay lương Net khi tìm việc?
Có thể thấy, về lý thuyết, dù chọn nhận lương Net hay Gross thì tiền lương thực nhận của người lao động vẫn như nhau. Ưu và nhược điểm của mỗi hình thức nhận lương này đều đã được phân tích chi tiết bên trên.
Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động nhận lương Net có thể sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn. Nếu doanh nghiệp muốn giảm thiểu chi phí thì có thể sẽ đóng bảo hiểm theo lương Net. Mức đóng thấp dẫn đến chế độ bảo hiểm của người lao động được hưởng sau này sẽ bị thấp hơn so với những quyền lợi đáng ra họ phải được nhận.
Trong khi đó, người lao động chọn nhận lương Gross có cảm giác bị “thiệt” một khoản tiền kha khá. Chọn lương Gross tuy ban đầu sẽ hơi tốn công để tính toán, nhưng lời khuyên là bạn nên chọn deal lương theo hình thức này vì một số lợi ích thực tế sau đây:
+ Các mức đóng bảo hiểm, thuế và chế độ đãi ngộ (tai nạn lao động, thai sản…) mà người lao động được hưởng sau này đều dựa trên mức lương Gross.
+ Người lao động sau này có thể chủ động về thu nhập của bản thân, đồng thời đảm bảo quyền lợi được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thỏa đáng.
Vậy nên, nếu có thể bạn hãy đàm phán lương bằng hình thức lương Gross. Còn nếu nhà tuyển dụng và bạn phải làm việc với nhau trên lương Net, bạn cần hỏi chi tiết về mức đóng bảo hiểm mà công ty sẽ đóng cho người lao động để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân.
Việc hiểu biết rõ ràng khái niệm và cách tính lương Net và Gross giúp chúng ta có thể chủ động khi deal lương, cũng như tính được chính xác số lương thực tế nhận được. Hy vọng với những kiến thức được chia sẻ trong bài, bạn sẽ thành công tìm được công việc với mức lương đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho bản thân nhé!