Tại mỗi doanh nghiệp, việc trả lương cho nhân viên là một việc làm thiết yếu và quan trọng. Các doanh nghiệp khác nhau sẽ có những phương pháp trả lương khác nhau. Đặc biệt là lương của nhân viên kinh doanh, vì tính chất công việc cần sự di chuyển nhiều và được đánh giá dựa vào doanh số nên rất khác với các vị trí làm việc tại văn phòng. Hôm nay, hãy cùng Langmaster nghiên cứu rõ hơn các vấn đề về “Lương nhân viên kinh doanh” ở bài viết này nhé!
Tham khảo: Langmaster tuyển dụng Nhân viên kinh doanh
1. Các cách tính lương cho nhân viên kinh doanh
Hiện nay, có rất nhiều cách tính lương cho nhân viên kinh doanh. Trong đó, phổ biến nhất phải kể đến là 5 cách sau đây:
1.1. Tính lương theo quy tắc 3 P
Tính lương theo quy tắc 3 P là xác định mức thu nhập cho nhân viên kinh doanh dựa trên: P1: Position là vị trí làm việc, P2: Person là năng lực và P3: Performance là thành tích kinh doanh của nhân viên.
1.1.1. P1: Position (Dựa vào vị trí làm việc)
Dựa vào vị trí làm việc là cách tính lương cơ bản dựa trên giá trị làm việc của nhân viên kinh doanh (thường dùng để tính bảo hiểm lao động cho nhân viên). Mức lương này sẽ được các doanh nghiệp xác định dựa trên mức độ phức tạp của công việc (Công việc có độ khó càng cao thì mức lương này sẽ càng cao). Các doanh nghiệp thường sẽ quy định một mẫu chung ở mức tối thiểu đối với nhân viên bán hàng để có thể đảm bảo được mức sống của họ. Ở mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có một mức lương cơ bản tương đối cho từng vị trí khác nhau.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp không nên có mức lương P1 quá cao bởi vì như vậy sẽ khiến nhân viên không còn quan tâm đến tiền thưởng nữa (Nếu tiền thưởng ít hơn quá nhiều so với lương cơ bản).
Các doanh nghiệp nên đặt ở mức cơ bản hoặc có thể hơi ít một chút để nhân viên có động lực làm việc vượt qua mức cơ bản đó một cách nhanh chóng và hướng đến mục tiêu tiền thưởng. Bên cạnh đó, tùy vào năng lực ở mỗi vị trí công việc mà doanh nghiệp sẽ điều chỉnh mức lương cơ bản này phù hợp với mặt bằng chung trong thị trường lao động.
Xem thêm: SALE ADMIN LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGHỀ SALE ADMIN
1.1.2 P2: Person (Dựa vào năng lực cá nhân)
Dựa vào năng lực cá nhân là cách tính các khoản thưởng thêm nếu nhân viên có năng lực vượt trội. Khoản lương này tuy rằng mang yếu tố chủ quan từ người đánh giá, nhưng vẫn dựa vào những cống hiến cho doanh nghiệp của nhân viên từ khi họ bắt đầu vào làm. Các doanh nghiệp cần phải có hệ thống những tiêu chí riêng để có thể xác định năng lực cá nhân của nhân viên.
Thông thường, lương dựa vào năng lực P2 sẽ được xác định dựa vào các tiêu chí sau:
- Năng lực về kỹ thuật: Có kiến thức chuyên môn và những hiểu biết về sản phẩm kinh doanh, có khả năng nắm bắt thị trường, quản lý hàng hóa,…
- Phẩm chất của nhân viên: sự chăm chỉ, trung thực, tinh thần làm việc tốt,…
- Bên cạnh đó còn có những kỹ năng khác: Khả năng về ngoại ngữ, viết báo cáo, kỹ năng quan sát,...
1.1.3 P3: Performance (Dựa vào thành tích)
Dựa vào thành tích là cách tính các khoản thưởng nhân viên sẽ đạt được khi hoàn thành những chỉ tiêu KPI (Key Performance Indicator) mà doanh nghiệp đã đưa ra.
Thông thường, doanh nghiệp sẽ chi trả theo chính sách lương nhân viên kinh doanh đạt KPI ở ba cấp độ khác nhau sau:
- Theo cá nhân: Nhận hoa hồng, tiền thưởng, tăng lương sau một thời gian.
- Theo nhóm: Thưởng cho mỗi thành viên dựa trên thành tích của nhóm.
- Theo cả công ty: Thưởng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, cổ tức, lợi nhuận của công ty.
Không giống như P1, P2 có mức lương cố định, thì P3 lại có thể thay đổi tùy vào từng cá nhân. (P1: Position là vị trí làm việc, P2: Person là năng lực và P3: Performance là thành tích kinh doanh của nhân viên.)
Xem thêm: KPI LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KPI CHO NGƯỜI MỚI ĐI LÀM
1.1.4 Cơ chế trả lương theo quy tắc 3 P
Cơ chế trả lương của nhân viên bán hàng thường có một số khác biệt so với các vị trí khác, bởi vì lương của nhân viên bán hàng sẽ gắn liền với chỉ số KPI hằng tháng. Ngoài các đợt trả lương mỗi tháng, nhân viên kinh doanh còn có thể nhận được các khoản tiền thưởng theo quý hoặc nửa năm. Các chính sách lương thưởng cho nhân viên kinh doanh được xác định dựa trên mức độ hoàn thành KPI của nhân viên.
- Công thức tính lương theo quy tắc 3 P:
Tổng thu nhập = P1 + P2 + P3 + Phụ cấp
(P1: Position là vị trí làm việc, P2: Person là năng lực và P3: Performance là thành tích kinh doanh của nhân viên.)
- Các đợt trả lương nhân viên kinh doanh (hằng tháng, theo quý, nửa năm):
- Kỳ trả hằng tháng:
P1 + P2 + Phụ cấp + thưởng theo % doanh số tháng.
- Kỳ trả theo quý:
Thưởng P3 (x3 tháng). (Tính dựa trên chỉ số KPI: % KPI * P3.)
- Kỳ trả 6 tháng:
Thưởng % doanh số nóng (x6 tháng)
Xem thêm: CÁCH LẬP KẾ HOẠCH SAU KHI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CHUẨN DÀNH CHO SINH VIÊN
1.2 Tính theo doanh thu và phụ cấp
- Công thức tính lương theo doanh thu và phụ cấp:
Lương = Lương cơ bản + % Doanh thu * Doanh thu + (Phụ cấp)
Trong đó: % Doanh thu còn được gọi là hoa hồng, sẽ được doanh nghiệp tính dựa vào số lượng sản phẩm/ dịch vụ mà nhân viên đã bán được. % Doanh thu này đã được doanh nghiệp quy định trong chính sách thưởng doanh số cho nhân viên bán hàng.
- Tuy nhiên, mức lương của nhân viên kinh doanh sẽ không ổn định, bởi vì bị phụ thuộc nhiều vào các yếu tố chủ quan và khách quan.
- Hằng tháng, mỗi nhân viên sẽ nhận được một khoản lương cơ bản và phụ cấp đủ để trang trải cho những nhu cầu thiết yếu.
- Nếu đã có thưởng thì cũng sẽ có phạt. Hiện nay, ở một số doanh nghiệp còn áp dụng các hình thức phạt.
Ví dụ:
- KPI < 40% trong 3 tháng liên tục thì sẽ bị trừ lương.
- KPI < 60% trong 6 tháng liên tục sẽ bị hạ bậc lương hoặc có thể bị cho thôi việc.
Các hình thức phạt này có thể là áp lực nhưng bên cạnh đó nó cũng là động lực để các nhân viên kinh doanh cố gắng hơn trong việc mang về doanh thu cho doanh nghiệp, cũng như thu nhập khủng cho chính bản thân mình.
Xem thêm: KỶ LUẬT TÍCH CỰC LÀ GÌ? MỘT SỐ VAI TRÒ CỦA PHƯƠNG PHÁP KỶ LUẬT TÍCH CỰC
1.3 Tính theo thời gian và kinh nghiệm làm việc
Tính lương theo thời gian và kinh nghiệm làm việc là hình thức thường được các doanh nghiệp sử dụng khi chưa xác định được định mức lương cụ thể của nhân viên. Doanh nghiệp có thể tính lương theo các mốc thời gian như: giờ, ngày, tuần, tháng.
Các doanh nghiệp thường sử dụng 2 cách tính lương tháng theo thời gian sau:
1.3.1 Theo ngày công chuẩn cố định và số ngày làm thực tế
Nếu các doanh nghiệp quy định số ngày công chuẩn là 24 (tùy theo các doanh nghiệp khác nhau sẽ quy định số ngày công chuẩn khác nhau) thì lương tháng của nhân viên sẽ được tính theo công thức:
Lương tháng = (Lương + Phụ cấp nếu có)/24 * Số ngày làm việc thực tế
Ví dụ 1: Anh H là nhân viên bán hàng ở cửa hàng đồng hồ A. Mức lương của anh H là 6 triệu đồng, không có phụ cấp. Ngày công chuẩn của cửa hàng đồng hồ A được quy định là ngày 24.
- Ở tháng 6/2023 có 30 ngày, theo quy định của công ty là làm từ thứ 2 đến thứ 7. Tổng cộng có 26 ngày công. Anh H đã đi làm đủ và không nghỉ bữa nào.
Vậy mức lương anh H sẽ nhận được cho tháng 6 là:
6,000,000/24 * 26 = 6,500,000 VND.
- Ở tháng 3/2023 có 31 ngày nên anh H có tổng cộng 27 ngày công. Anh H vẫn đi làm đủ và không xin nghỉ.
Vậy mức lương của anh H sẽ nhận được là:
6,000,000/24 * 27 = 6,750,000 VND.
Xem thêm: BỎ TÚI NHỮNG KỸ NĂNG HÀNH CHÍNH VĂN PHÒNG KHÔNG THỂ THIẾU KHI LÀM VIỆC
1.3.2 Theo ngày công chuẩn là số ngày làm việc trong tháng (không xét các ngày nghỉ)
Không giống với cách tính theo thời gian và kinh nghiệm làm việc ở trên, ở cách tính này số ngày công chuẩn sẽ không cố định. Nó sẽ phụ thuộc vào số ngày làm việc trong tháng, không xét các ngày nhân viên xin nghỉ.
Công thức:
Lương tháng = (Lương + Phụ cấp nếu có) / Số ngày công chuẩn * Số ngày làm việc thực tế
Ví dụ: Chị Hương là nhân viên bán hàng tại cửa hàng quần áo B. Mức lương của chị là 6 triệu đồng và không phụ cấp. Cửa hàng này tính lương theo ngày công chuẩn là số ngày làm việc trong tháng. Tương tự như cửa hàng đồng hồ A, thì cửa hàng quần áo B cũng có quy định làm việc từ thứ 2 đến thứ 7.
Ở tháng 6/2023 có 30 ngày, trong đó có 26 ngày công. Chị Hương cũng làm đủ và không xin nghỉ.
Vậy mức lương chị Hương sẽ nhận được cho tháng 6 là:
6,000,000/26 * 26 = 6,000,000 VNĐ.
1.4 Tính theo sản phẩm
Tính theo sản phẩm là hình thức tính lương dựa trên số sản phẩm và chất lượng sản phẩm mà nhân viên đã đạt được.
Công thức tính lương theo sản phẩm:
Tiền lương = Sản lượng sản phẩm * đơn giá sản phẩm
1.5 Trả lương khoán
Trả lương khoán là hình thức trả lương khi người lao động đã hoàn thành lượng công việc cụ thể được giao. Mức lương này đã được quy định cụ thể trên hợp đồng lao động giữa 2 bên (Người khoán và người lao động) chứ không có một công thức tính cụ thể nào.
Ví dụ: Chị Hồng là nhân viên kinh doanh nhận hợp đồng khoán của công ty C, yêu cầu phải bán được 100 sản phẩm trong vòng 1 tháng. Nếu hoàn thành đúng theo yêu cầu của hợp đồng, chị Hồng sẽ nhận được mức lương là 5 triệu đồng.
Hình thức trả lương khoán này sẽ giúp người khoán yên tâm về thời gian công việc được hoàn thành. Ngoài ra, người lao động cũng có thể biết được công việc và thời gian mà bản thân cần phải hoàn thành.
2. Các nguyên tắc tính lương cho nhân viên công ty
Có rất nhiều cách tính lương nhân viên kinh doanh nhưng cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Người sử dụng lao động cần phải theo quy định của Pháp luật và thỏa thuận giữa 2 bên trả lương đúng với năng lực, vị trí, cấp bậc của người lao động.
- Các doanh nghiệp cần trả lương đúng theo hợp đồng lao động hoặc cam kết giữa người sử dụng lao động và người lao động.
- Doanh nghiệp có thể trả lương trực tiếp bằng hình thức chuyển khoản hoặc trả tiền mặt cho người lao động. Nếu người lao động không thể nhận trực tiếp thì cần phải có giấy ủy quyền để người khác có thể nhận thay.
- Theo quy định của Luật lao động, người lao động vẫn được nhận lương vào các ngày nghỉ.
- Quyền sử dụng tiền lương thuộc về người lao động, doanh nghiệp không có quyền can dự.
- Doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải đảm bảo trả lương đúng hạn cho nhân viên của mình theo các nguyên tắc sau:
- Trả đúng theo kỳ hạn đã được cam kết trên hợp đồng lao động.
- Đối các hình thức trả lương theo thời gian như: Theo tháng, thì doanh nghiệp không được trả chậm quá 1 tháng. Với lương theo tuần, ngày hoặc giờ thì doanh nghiệp có thể cộng lại trả một lần nhưng không được trả sau 15 ngày hoàn thành công việc.
3. Mức lương nhân viên kinh doanh hiện nay
- Kinh doanh là lĩnh vực rất đa dạng và không ngừng có những biến đổi. Chính vì vậy lương thưởng của nhân viên kinh doanh luôn không cố định mà sẽ tăng hoặc giảm luân phiên tùy vào các yếu tố liên quan như phần trăm hoa hồng, thị trường, khả năng bán hàng,…
- Các doanh nghiệp thường chi trả cho nhân viên kinh doanh mức lương dao động từ khoảng 4-25 triệu/tháng. Với các doanh nghiệp B2B (Business To Business) thì mức lương nhân viên kinh doanh có thể nhận được lên đến hàng trăm triệu đồng nếu có được hợp đồng lớn.
- Thông thường, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mức độ phân chia tùy theo kinh nghiệm làm việc và chính sách nhân sự như sau:
- Chưa có kinh nghiệm: Lương cứng từ 4-8 triệu đồng/tháng và nếu tính cả hoa hồng và thưởng sẽ rơi vào khoảng 4-12 triệu đồng/tháng.
- Có kinh nghiệm từ 1-3 năm: Lương cứng từ 4-12 triệu/ tháng và từ 4-15 triệu/tháng (nếu tính cả hoa hồng và tiền thưởng).
- Có kinh nghiệm từ 3-5 năm: Lương cứng từ 4-20 triệu và có thể lên tới 6-25 triệu/tháng nếu tính cả hoa hồng và tiền thưởng.
Qua bài viết mà Langmaster đã chia sẻ ở trên, mong rằng các bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về “Lương nhân viên kinh doanh” cũng như những cách tính lương cho nhân viên kinh doanh phổ biến nhất hiện nay. Hãy sử dụng những thông tin bổ ích này để có thể dễ ứng dụng vào cuộc sống hay trong công việc một cách hiệu quả nhất các bạn nhé!