Khi bạn muốn thành lập một công ty riêng mà chỉ có khoảng 1 - 2 người, thì giải pháp cho vấn đề này là thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhưng bạn đã hiểu rõ công ty trách nhiệm hữu hạn là gì chưa? Và những đặc điểm cần phải biết nào về công ty trách nhiệm hữu hạn? Hãy cùng Langmaster trả lời các vấn đề trên thông qua bài viết bên dưới nhé!
1. Công ty tnhh (trách nhiệm hữu hạn) là gì?
Công ty trách nhiệm hữu hạn là công ty có số lượng thành viên hạn chế và chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty trong phạm vi của số vốn cam kết góp vào công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn là một loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và được luật pháp Việt Nam bảo vệ. Phần vốn cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn thể hiện trên điều lệ của công ty trong lúc thành lập.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn tiếng Anh là gì?
Công ty trách nhiệm hữu hạn tiếng Anh có hai cách viết là: Limited Liability Company (LLC) và Company Limited (Ltd). Tên công ty trách nhiệm hữu hạn bằng tiếng nước ngoài chính là tên được dịch từ tiếng Việt sang một trong những tên tiếng nước ngoài có hệ chữ La-tinh. Khi chúng ta dịch tên từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Nếu công ty trách nhiệm hữu hạn có tên bằng tiếng nước ngoài, thì tên bằng tiếng nước ngoài của công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng việt của công ty trách nhiệm hữu hạn tại văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do công ty trách nhiệm hữu hạn này phát hành.
Đối với tên viết tắt của công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc từ tên tiếng nước ngoài.
Tên công ty trách nhiệm hữu hạn tiếng Anh thường được viết như sau:
Tên công ty Tiếng Anh bao gồm loại hình kinh doanh + ngành nghề kinh doanh + tên công ty.
Ví dụ:
Tên tiếng Việt: Công ty trách nhiệm hữu hạn Bien Xanh
Tên tiếng Anh: Bien Xanh Company Limited hoặc Bien Xanh Limited Liability company.
Xem thêm: TẤT TẦN TẬT THÔNG TIN VỀ CÔNG TY ĐA QUỐC GIA
3. Những lợi ích của việc lập công ty trách nhiệm hữu hạn
Công ty trách nhiệm hữu hạn là một trong những loại hình công ty được nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm loại hình cho công ty của mình. Công ty TNHH có tư cách pháp nhân từ lúc được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh. Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp mang đến nhiều lợi ích như:
3.1 Ích lợi về thuế
Hiện nay, một trong những vấn đề được xem là nhạy cảm nhất đó là số thuế đóng hằng tháng cho nhà nước. Có không ít người đau đầu và gánh nặng vì số thuế mà công ty phải chi trả hằng tháng. Tuy vậy, với mô hình công ty TNHH thì mức thuế thu nhập phải nộp chỉ khoảng 20%, là thấp nhất trong tất cả các loại hình thành lập công ty có quy mô nhỏ so với các doanh nghiệp khác.
3.2 Về sự chuyên nghiệp
Tính chuyên nghiệp của các công ty TNHH sẽ phụ thuộc vào người lãnh đạo cũng như quy mô kinh doanh của công ty. Khi chúng ta kinh doanh với các công ty lớn hơn, thì sẽ thấy rằng họ chỉ đối phó với những công ty hạn chế chứ không phải là với quan hệ đối tác duy nhất hay thương nhân. Vì vậy, công ty TNHH còn được xem là loại hình công ty thể hiện tính chuyên nghiệp tốt.
3.3 Về kinh phí thành lập và kinh doanh công ty
Bởi vì có quy mô nhỏ nên số vốn đầu tư thành lập công ty TNHH không nhiều và chi phí kinh doanh, chi phí duy trì luôn được đảm bảo ổn định, tối thiểu nhất có thể. Chúng ta có thể dễ dàng duy trì hoạt động công ty dù có ít vốn đầu tư.
3.4 Tính riêng biệt
Công ty trách nhiệm hữu hạn được xem là thực thể hoàn toàn riêng biệt với những thành viên sáng lập ra nó. Trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, công ty TNHH sẽ được đối xử giống như là một thực thể duy nhất cho mục đích về thuế và hành chính. Mọi thứ trong công ty TNHH như là tài khoản ngân hàng, việc tham gia hồ sơ dự thầu, quyền sở hữu tài sản, hợp đồng kinh tế đều do công ty kinh doanh và tách biệt hoàn toàn với ích lợi của những thành viên công ty.
3.5 Thương hiệu
Khi chúng ta đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền thương hiệu cho công ty, doanh nghiệp. Tên công ty chính là tên của thương hiệu và không ai được đặt giống vậy, cũng như không ai được cấp giấy phép kinh doanh nếu sai phạm.
3.6 Lương hưu
Công ty trách nhiệm hữu hạn không phải là công ty nhà nước, mà là một loại hình công ty tự phát. Do đó, các vấn đề về lương hưu sẽ không được đề cập đến. Về các chế độ thưởng, khi chúng ta đến độ tuổi nghỉ ngơi sẽ được đánh giá bởi quá trình đóng góp của bản thân cho công ty và theo tình hình của công ty, lãnh đạo. Từ đó, có mức độ thưởng phù hợp với mỗi cá nhân. Hoàn toàn không có sự ràng buộc của pháp luật.
3.7 Thành viên góp vốn
Chúng ta có thể kêu gọi mọi người tham gia vào công ty của mình theo hình thức góp vốn. Trong quá trình kinh doanh,nếu thành viên nào đó không muốn tiếp tục nữa, thì có thể bán số vốn góp cho các thành viên khác trong công ty hoặc cho người khác nếu có sự chấp thuận của các thành viên trong hội đồng. Trông một công ty trách nhiệm hữu hạn người có phần vốn góp nhiều nhất sẽ là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty.
Xem thêm: CÔNG TY CỔ PHẦN LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM, ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN LÀ GÌ?
4. Đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn
Công ty sẽ có tư cách pháp nhân bắt đầu từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chủ sở hữu của công ty và công ty là hai thực thể pháp lý khác nhau.
Theo pháp luật Việt Nam công ty trách nhiệm hữu hạn có những đặc điểm sau:
- Công ty là pháp nhân có tài sản độc lập, các thành viên có trách nhiệm trước những khoản nợ trong phạm vi tài sản cam kết góp vào doanh nghiệp của mình (trách nhiệm hữu hạn.)
- Thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân với số lượng không quá 50 người.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn không được phép phát hành cổ phần để huy động vốn trong suốt quá trình hoạt động.
- Với bản chất là công ty đóng, việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế. Khi muốn chuyển nhượng vốn góp, các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn trước hết phải ưu tiên cho các thành viên khác trong công ty. Việc chuyển nhượng cho người khác không phải là thành viên trong công ty bị hạn chế gắt gao. Chuyển nhượng vốn chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của các thành viên đại diện cho ít nhất 3/4 số vốn điều lệ của công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai loại hình chính đó là: Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Bởi vì các công ty trách nhiệm hữu hạn thường có ít thành viên nên việc tổ chức, thành lập, hoạt động và quản lý tương đối đơn giản. Do đó, công ty trách nhiệm hữu hạn rất thích hợp cho việc kinh doanh ở quy mô nhỏ và vừa.
5. Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty sẽ chịu trách nhiệm về các khoản vay và những nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ mà công ty có. Công ty trách nhiệm hữu hạn không được phát hành cổ phần để huy động nguồn vốn trong kinh doanh.
Việc chuyển nhượng vốn đã góp của các thành viên trong công ty, phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Công ty TNHH một thành viên có quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp từ những doanh nghiệp khác. Cụ thể là các loại hình: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Xem thêm: DIGITAL MARKETING LÀ LÀM GÌ? CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP NGÀNH DIGITAL MARKETING
6. Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên
Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó thành viên có thể là cá nhân, tổ chức. Số lượng thành viên tối thiểu là 2 và không được vượt quá 50 người. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết đã góp vào công ty.
Pháp luật Việt Nam quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân, bắt đầu từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động nguồn vốn. Phần vốn góp của các thành viên trong công ty phải được chuyển nhượng đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hy vọng, những kiến thức mà Langmaster đã chia sẻ ở bài viết trên, đã có thể giúp bạn hiểu rõ về công ty trách nhiệm hữu hạn và những đặc điểm cần phải biết về công ty trách nhiệm hữu hạn. Đừng quên ứng dụng những kiến thức bổ ích này khi muốn thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn cho bản thân các bạn nhé!