Nhiều sinh viên tìm các công việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập trang trải, cũng như tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng. Vậy có những công việc dành cho sinh viên nào phù hợp và phổ biến hiện nay? Những lưu ý khi tìm việc làm thêm để tránh bị lừa đảo là gì? Cùng tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết sau đây bạn nhé!
1. Những công việc dành cho sinh viên làm thêm
1.1 Gia sư
Đây là công việc được nhiều sinh viên lựa chọn khi muốn tận dụng thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Một số ưu điểm của nghề gia sư có thể kể đến:
- Thời gian linh động, có thể sắp xếp phù hợp tùy theo lịch học.
- Mức lương ổn định, khoảng từ 80.000 - 150.000 đồng/tiếng.
- Ngoài có thêm thu nhập chi trả cho việc sinh hoạt hằng ngày phụ giúp gia đình, làm gia sư cũng là cơ hội tốt để sinh viên ngành sư phạm rèn luyện các kỹ năng qua các tình huống giảng dạy thực tế, củng cố kiến thức,...
- Tìm kiếm một công việc gia sư không hề khó. Bạn chỉ cần lên các trang tuyển gia sư trên Facebook hoặc website của các trung tâm.
- Các môn học như Anh, Lý, Hóa, Văn,... với học viên ở nhiều lứa tuổi và cấp độ từ tiểu học cho đến THPT. Đặc biệt, vào thời điểm ôn thi, nhu cầu tuyển gia sư sẽ tăng cao nên bạn không cần phải lo lắng không có việc làm.
Công việc gia sư cũng có thể mang đến một số khó khăn như:
- Nếu lựa chọn làm gia sư, ngoài nền tảng kiến thức bạn còn phải chuẩn bị tâm lý ứng biến và thái độ kiên nhẫn vì học sinh cấp dưới, đặc biệt là tiểu học, THCS đang ở độ tuổi ham chơi nên rất khó vào nề nếp.
- Phụ huynh sẽ dựa vào kết quả học tập, điểm số của con họ để trả công cho bạn. Do đó, bạn phải thật sự cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình.
Xem thêm: SINH VIÊN CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM KHÔNG? LƯU Ý & CÔNG VIỆC PHÙ HỢP
1.2 Bán hàng tại các shop thời trang
Công việc này sẽ phù hợp với những bạn gái có sở thích làm đẹp, đam mê thời trang. Bạn có thể chủ động đăng ký làm theo giờ như một nhân viên part-time, phụ trách việc dọn dẹp, sắp xếp và bán hàng. Việc bán quần áo khá nhàn, những lúc không có khách, bạn có thể tranh thủ học bài hoặc nghe nhạc, lướt web,...
1.3 Cộng tác viên viết bài
Nếu có khả năng viết lách tốt, bạn rất nên thử công việc làm cộng tác viên viết bài cho các website, agency mảng truyền thông,... Để nhận được nhuận bút từ các tòa soạn, công ty, bài viết của bạn phải đảm bảo chất lượng trước khi đăng tải chính thức. Công việc CTV viết bài trên thực tế mang đến khá nhiều lợi ích như:
- Đảm bảo mức thu nhập ổn định, nếu có kỹ năng viết lách khá tốt kèm sự chăm chỉ, mỗi tháng bạn có thể kiếm được từ 4-6 triệu đồng. Thậm chí một số blogger nổi tiếng thì giá có thể lên đến 1.000.000đ – 2.000.000VND/bài.
- Khi trở thành cộng tác viên viết bài, bạn có thể nâng cao các kỹ năng như thu thập, chọn lọc, tổng hợp thông tin, cũng như biết thêm nhiều kiến thức mới.
- Bên cạnh đó, công việc này khá tiện lợi vì sinh viên có thể làm online trên máy tính nên sẽ chủ động về thời gian, không cần đi lại.
1.4 Bán hàng online
Nhu cầu mua sắm online đang trở thành trào lưu nở rộ và ngày càng phát triển trong thời đại công nghệ. Nếu có đam mê với việc kinh doanh, bạn có thể tranh thủ thời gian rảnh để mở một shop bán đồ online để kiếm thêm thu nhập.
Công việc này khá phù hợp với những bạn trẻ muốn kinh doanh nhưng ít vốn, không đủ tiền thuê mặt bằng và nhân viên. Bạn có thể lựa chọn bán các mặt hàng online phổ biến hiện nay như: quần áo, đồ ăn vặt, dụng cụ văn phòng phẩm,... Nếu kinh doanh thuận lợi, các bạn sinh viên sẽ có khoản thu nhập khá ấn tượng đấy!
Xem thêm: 7 BƯỚC LẬP KẾ HOẠCH HỌC TẬP CÁ NHÂN HOÀN CHỈNH CHO SINH VIÊN
1.5 Tư vấn qua điện thoại
Telesales hay tư vấn qua điện thoại là một trong những công việc dành cho sinh viên khá hot hiện nay. Sinh viên sẽ được nâng cao kỹ năng giao tiếp, học cách nắm bắt tâm lý, xử lý các vấn đề một cách linh hoạt và nhạy bén.
Yêu cầu của công việc này là bạn phải có một giọng nói thu hút, thái độ kiên trì, thân thiện cùng khả năng nói chuyện khéo léo để có thể tư vấn và giải đáp thắc mắc cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhất là với những người khó tính.
1.6 Phục vụ quán cà phê, đồ ăn vặt
Đây cũng là một lựa chọn công việc part-time đáng cân nhắc cho những ai là sinh viên. Bạn có thể chủ động sắp xếp làm xoay ca, tùy theo lịch học trên trường. Công việc này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, giúp bạn có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp, thể hiện sự nhanh nhẹn, xử lý tình huống linh hoạt,... Công việc phục vụ này mang lại một nguồn thu nhập hằng tháng tương đối ổn định cho các sinh viên.
Xem thêm: CÁCH VIẾT CV CHO SINH VIÊN NĂM NHẤT ĐƠN GIẢN, HIỆU QUẢ
1.7 Chạy bàn tiệc cưới
Vì tiệc cưới thường được tổ chức vào dịp cuối tuần nên công việc này cho phép các bạn sinh viên có thể tham gia vào ngày nghỉ. Mức thù lao cho một buổi khá cao, từ 90.000 đồng trở lên. Ngoài ra, bạn còn có thể nâng cao khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, trải nghiệm không khí làm việc nhộn nhịp,...
Đặc biệt, nếu bạn là sinh viên các ngành quản lý nhà hàng, khách sạn thì công việc chạy bàn tiệc cưới quả là không gì phù hợp hơn, khi có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, hình dung được cách thức tổ chức, quản lý một hôn lễ như thế nào.
1.8 Cộng tác viên biên dịch
Nhu cầu tuyển cộng tác viên dịch thuật ngày càng nhiều, tạo cơ hội để các bạn giỏi ngoại ngữ thử sức. Các tiếng phổ biến hiện nay cần dịch thuật tài liệu như tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn... Bạn có thể tìm kiếm các job dịch online với mức lương trả tương đối cao, thời gian làm việc linh động, không cần lên văn phòng,...
Cộng tác viên biên dịch là công việc lý tưởng dành cho những sinh viên hiện đang theo học các chuyên ngành liên quan đến ngoại ngữ như Ngôn ngữ Anh, Trung,... với mong muốn cải thiện kỹ năng, nâng cao vốn ngôn ngữ cũng như làm quen, tiếp xúc với công việc thực tế để tích lũy kinh nghiệm.
1.9 Quản trị fanpage
Nhiều shop bán hàng online cần tuyển người quản trị page trên Facebook, với yêu cầu nâng cao tương tác, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, chốt đơn cho khách hàng,... Đây là một công việc dành cho sinh viên rất tiềm năng, đơn giản và không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm, nhất là đối với những bạn học truyền thông, Marketing,...
1.10 Nghề shipper giao hàng
Cùng với sự phát triển của hình thức bán hàng online, nghề giao hàng (shipper) cũng trở nên phổ biến hơn. Đây cũng là một công việc làm thêm giúp các bạn sinh viên kiếm thêm thu nhập trang trải trong khoảng thời gian rảnh rỗi. Mức thu nhập khá ổn định, khoảng từ 6 triệu đồng/tháng nếu bạn chăm chỉ.
Không cần vốn, không bó buộc thời gian, nhưng bạn cần phải có xe máy, thông thạo các con đường. Đặc biệt nghề này đòi hỏi bạn phải có đủ sức khỏe, chịu khó vì phải liên tục chạy xe ngoài đường, gặp phải mưa gió, bụi bẩn… Chưa kể, shipper còn phải có trách nhiệm bảo quản các món đồ nguyên vẹn đến tận tay khách.
1.11 Chụp ảnh mẫu quảng cáo
Làm mẫu ảnh cho các cửa hàng quần áo, tiệm ảnh,... là công việc dành cho sinh viên nào có ngoại hình sáng, ưa nhìn và ăn ảnh. Với quỹ thời gian rảnh, bạn có thể tận dụng để kiếm thêm một khoản tiền tiêu vặt nho nhỏ lo cho bản thân.
1.12 Nhân viên siêu thị
Nhiều bạn sinh viên thường nộp đơn xin việc làm thêm tại các siêu thị có nhu cầu tuyển dụng, vì mức lương ổn định, môi trường làm việc sạch sẽ thoải mái và có thể làm part-time theo ca linh động.
Một số vị trí tuyển dụng trong siêu thị có thể là nhân viên thu ngân, bán hàng, sắp xếp hàng hóa, bảo vệ,... Yêu cầu cho công việc thường cần bạn phải có ngoại hình, tính cẩn trọng, nhanh nhẹn,...
Xem thêm: CÁCH VIẾT CV XIN VIỆC PART TIME DÀNH CHO SINH VIÊN ẤN TƯỢNG
1.13 Streamer
Streamer là người phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến phổ biến như Youtube, Facebook, Twitch,... Thu nhập của một streamer chủ yếu đến từ nguồn lực: Đóng góp và ủng hộ, nhà tài trợ và quảng cáo, lượt xem và đăng ký kênh.
Để trở thành một streamer thu hút nhiều người xem, bạn cần phải xây dựng phong cách riêng khi chơi game, nói chuyện, biết cách quay phát, tạo video và sáng tạo nội dung,... Đây là công việc phù hợp với những bạn sinh viên có tính cách năng động, yêu thích việc tương tác và tạo dựng nội dung trên mạng.
1.14 Chỉnh sửa ảnh, edit video
Với công việc này, các bạn sinh viên sẽ sử dụng kỹ năng Photoshop hoặc biên tập video từ đơn giản đến phức tạp, nhận chỉnh sửa ảnh cho các studio, edit video theo các dự án,... Thu nhập từ công việc này khá hấp dẫn nếu bạn chăm chỉ và có nhiều thời gian để nhận các job freelance, làm bán thời gian những lúc rảnh.
1.15 Nhập liệu
Đây là công việc dành cho sinh viên khá đơn giản. Bạn chỉ cần biết sử dụng máy tính, thành thạo tin học văn phòng cũng như phần mềm nhập liệu. Để làm tốt, các bạn cũng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình đánh máy.
Công việc nhập liệu này phù hợp với nhiều đối tượng, ngay cả với các sinh viên năm nhất cũng có thể ứng tuyển. Tuy vậy, mức lương cho vị trí nhập liệu thường không quá cao, nếu làm part-time chỉ khoảng 1-2 triệu/tháng.
1.16 Nhân viên chạy quảng cáo
Nếu có kiến thức cơ bản về Marketing, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể chọn công việc chạy quảng cáo cho các shop. Ngoài kiếm thêm thu nhập, có thể làm online, bạn còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm có ích, trau dồi kiến thức, kỹ năng phục vụ cho các công việc chính thức hay tự kinh doanh sau này,...
1.17 Phát tờ rơi
Đây là một công việc dành cho sinh viên không hề nhẹ nhàng vì điều kiện làm việc buộc bạn phải có sức khỏe và chịu khó. Để phát hết số lượng tờ rơi, bạn phải đứng ở nơi công cộng đông người, phải đi đến từng nhà và hứng nắng nôi, bụi đường rất vất vả. Thậm chí còn bị mọi người phàn nàn vì làm phiền đến họ.
Tuy nhiên, mức thù lao trả cho công việc làm thêm này khá xứng đáng. Nếu phát tờ rơi tại các cổng trường, trụ đèn giao thông thì bạn có thể nhận được 50.000đ, nếu đi phát tận nhà từng nơi thì sẽ là 100.000đ/buổi.
1.18 Giúp việc theo giờ
Đây là việc làm part-time dành cho những bạn sinh viên không có nhiều thời gian. Công việc làm thêm này sẽ phù hợp với các bạn nữ, chị em nội trợ có khả năng “nữ công gia chánh”, đảm nhận việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu ăn, giữ trẻ,... theo yêu cầu của chủ nhà. Thù lao trung bình 1 tiếng làm việc từ 30.000 - 40.000đ. Một tuần bạn có thể làm 3 - 4 buổi, mỗi buổi chỉ từ 2 - 3 tiếng để kiếm thêm tiền tiêu.
1.19 Bán hàng rong
Bán hàng rong là việc làm thêm dành cho các bạn sinh viên có tính chịu khó và muốn kiếm thêm thu nhập. Một số mặt hàng bạn có thể chọn bán như báo, vé số, kẹo bông đường, bắp rang bơ,… Công việc này cho phép bạn chủ động về thời gian, chủ yếu đi bán vào các buổi tối, đặc biệt là cuối tuần.
1.20 CTV khảo sát thị trường
Công việc này rất thích hợp để các bạn sinh viên làm thêm vào buổi tối. Nhiệm vụ của bạn là đi điều tra thị trường theo yêu cầu, tiêu chí của bên thuê. Ngoài giúp bạn kiếm thêm thu nhập, công việc part-time này còn tạo cơ hội để bạn có thể rèn luyện khả năng giao tiếp, tiếp xúc với môi trường thực tế,...
Xem thêm: HƯỚNG DẪN VIẾT CV CHO SINH VIÊN THỰC TẬP CHI TIẾT A - Z
1.21 Cộng tác viên mở thẻ ngân hàng
Đây cũng là một công việc dành cho sinh viên bán thời gian phù hợp với những ai có nhiều thời gian rảnh. Bạn cần tìm khách hàng để giới thiệu và hướng dẫn điền các thông tin, cách đăng ký để mở thẻ ngân hàng. Công việc này khá đơn giản và không yêu cầu kinh nghiệm nên bạn có thể tham khảo thử nhé!
1.22 Bán sách báo, dụng cụ học tập
Bạn có thể tận dụng môi trường đại học và chọn các đầu sách phù hợp với chuyên ngành hoặc các ngành học phổ biến để bán kiếm thêm thu nhập. Các món dụng cụ học tập như bút, thước,... cũng là mặt hàng thích hợp để bán cho các sinh viên. Chỉ cần bỏ ra mức vốn vừa phải, bạn cũng có thể thu được khoản lời khá ổn đấy!
1.23 Nhân viên thời vụ tại các xí nghiệp
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông làm thời vụ luôn cao vì nhiều công ty, xí nghiệp không cần phải hỗ trợ lương hay đóng bảo hiểm cho nhóm nhân viên này. Đặc biệt, một số công ty xuất khẩu lúc cao điểm sẽ tuyển số lượng lớn sinh viên vào làm. Bạn có thể xin vào làm một số công đoạn và ăn theo sản phẩm. Thù lao trả cho nhân viên thời vụ cũng khá ổn, đáng để bạn cân nhắc.
1.24 Chạy xe công nghệ
Với tính chất công việc đơn giản, mức lương ổn định cũng như chủ động được về mặt thời gian, làm tài xế công nghệ là một công việc khá phù hợp với nhiều bạn sinh viên. Để làm tốt, bạn cần thuộc hầu hết các tuyến đường, biết lối đi tắt để tiết kiệm thời gian di chuyển, nhất là trong những giờ cao điểm.
2. Những lưu ý khi tìm công việc dành cho sinh viên
Trong quá trình tìm công việc dành cho sinh viên, bạn cần lưu ý một vài điều quan trọng sau đây:
2.1 Tìm việc ở những nguồn uy tín
Điều đầu tiên bạn cần làm trước khi ứng tuyển vào một vị trí công việc nào đó là tìm hiểu xem bên tuyển dụng có thật sự uy tín hay không. Dù chỉ là công việc làm thêm, nhưng bạn cũng cần cẩn thận để tránh trường hợp bị lừa, “tiền mất tật mang”.
Hãy chủ động tìm hiểu kỹ xem nơi đăng tin tuyển dụng có xác thực hợp pháp hay không trước khi quyết định đi làm, bằng cách tra thêm thông tin trên Google hay hỏi thăm trong các group việc làm,...
2.2 Cân nhắc về mức lương được đề nghị
Các bạn sinh viên nên xem xét khối lượng công việc, những yêu cầu và trách nhiệm đi kèm. Đồng thời, hãy thử tham khảo qua mức lương trung bình trên thị trường để đảm bảo công sức lao động của bản thân được đáp trả xứng đáng.
Với những ai làm công việc online tại nhà không gặp mặt trực tiếp, các bạn cần chú ý trao đổi rõ ràng về hợp đồng, hình thức thanh toán lương ngay từ ban đầu để tránh những mâu thuẫn, thiệt thòi không đáng có sau này.
2.3 Tránh các công việc thu phí khi tuyển dụng
Các thông tin tuyển dụng trên mạng tràn lan, mô tả công việc kèm quyền lợi hấp dẫn, nhưng lại yêu cầu ứng viên phải nộp “phí đầu vào” để tham gia. Đây là dấu hiệu đầu tiên các bạn cần phải lưu ý để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người khác để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản.
Thực tế dù làm công việc trực tiếp hay online thì cũng sẽ không có một công ty, đơn vị uy tín, minh bạch nào lại thu phí từ ứng viên. Do đó, các bạn sinh viên trước khi chấp nhận công việc cần tìm hiểu kỹ các thông tin của phía tuyển dụng nhé!
2.4 Phù hợp với thời gian của bản thân
Trước khi bắt đầu tìm kiếm công việc dành cho sinh viên, bạn hãy xem xét thật kỹ lịch trình của bản thân. Một số công việc part-time yêu cầu làm theo ca hoặc phải làm liên tục trong nhiều giờ liền.
Nếu bạn chỉ có thể làm việc được trong một số khung giờ nhất định, hãy chủ động trao đổi với bên tuyển dụng để linh hoạt sắp xếp phù hợp, không trùng với lịch học cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Lưu ý, dù là làm thêm nhưng bạn cũng cần cân đối thời gian giữa việc học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Xem thêm: TỔNG HỢP 15+ TRANG TÌM VIỆC UY TÍN NHẤT TẠI VIỆT NAM
2.5 Thể hiện cam kết làm việc lâu dài
Để tăng khả năng được nhận vào làm, bạn hãy cố gắng nhấn mạnh trong quá trình phỏng vấn rằng mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc. Nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc lựa chọn các ứng viên nhiệt huyết, không dễ dàng bỏ ngang hay đột nhiên nghỉ việc với các lý do như bận học, tìm được công việc khác ưng ý hơn,...
2.6 Nghiêm túc trong quá trình tìm việc
Dù chỉ là công việc part-time nhưng bạn vẫn cần có sự chuẩn bị với tinh thần nghiêm túc khi viết CV, đi phỏng vấn,... Nếu muốn đạt được kết quả tốt và gây ấn tượng với phía tuyển dụng, bạn cần thể hiện thái độ chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Trên đây là bài viết tổng hợp khá đầy đủ và chi tiết về các công việc dành cho sinh viên kiếm thêm thu nhập ngoài giờ. Hy vọng những gợi ý trong bài sẽ phần nào giúp ích cho các bạn trẻ tìm được một công việc part-time vừa có mức thu nhập ổn định, vừa phù hợp với nhu cầu, năng lực của bản thân nhé!