Mẫu thư giới thiệu xin việc hay còn gọi là thư tự giới thiệu, đây chính là tấm vé thông hành đưa bạn đến gần hơn với cơ hội việc làm mơ ước. Đặc biệt trong môi trường cạnh tranh cao như hiện nay, một bức thư tốt sẽ là yếu tố giúp bạn nổi bật giữa hàng trăm hồ sơ. Trong bài viết này, hãy cùng Langmaster khám phá những bí quyết hay giúp bạn có một bức thư giới thiệu nổi bật, chinh phục nhà tuyển dụng.
1. Mẫu thư giới thiệu xin việc là gì?
Mẫu thư giới thiệu xin việc hay còn gọi là thư tự giới thiệu là một Email giúp bạn chia sẻ thông tin về bản thân với những người chưa quen biết. Mục đích của bức thư này là để người nhận nắm bắt được những thông tin cơ bản, quá trình học tập và các kỹ năng mà bạn sở hữu.
Khác với sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu không phải là nơi để bạn liệt kê toàn bộ kinh nghiệm làm việc mà bạn cần tập trung vào việc truyền tải một thông điệp rõ ràng: Bạn là ai và tại sao nhà tuyển dụng nên dành thời gian để tìm hiểu thêm về bạn.
2. Vai trò của mẫu thư giới thiệu xin việc
Khi tiếp nhận một hồ sơ xin việc, các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp thường chú ý đến mẫu thư giới thiệu đầu tiên. Dưới đây là ba vai trò quan trọng của thư giới thiệu trong quá trình tuyển dụng, bao gồm:
- Tạo ấn tượng ban đầu: Đây là cơ hội để bạn thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng ngay từ đầu. Một lá thư được viết chỉn chu sẽ khơi dậy sự hứng thú, khiến nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu thêm về bạn.
- Khẳng định sự phù hợp của bạn với vị trí: Thư giới thiệu là cơ hội để bạn PR bản thân một cách hiệu quả nhất. Do đó, bạn nên tập trung vào những thành tích nổi bật cũng như và những đóng góp mà bạn có thể mang lại cho công ty để nổi hơn so với ứng viên khác .
- Thể hiện tính chuyên nghiệp và nghiêm túc: Một bức thư giới thiệu được viết một cách chân thành sẽ giúp nhà tuyển dụng cảm nhận được sự nhiệt huyết và mong muốn được trở thành một phần của công ty.
Đọc thêm:
Cách viết hồ sơ xin việc sơ yếu lý lịch chuẩn, chi tiết
Hướng dẫn viết cv xin việc chuyên nghiệp cho mọi ngành nghề
Cách viết Email gửi CV xin việc ấn tượng với nhà tuyển dụng
3. Hướng dẫn cách viết mẫu thư giới thiệu xin việc ấn tượng
Dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn lâu năm trong lĩnh vực tuyển dụng, chúng tôi sẽ chia sẻ một số cấu trúc cơ bản cần có trong một thư xin việc mà bạn nên tham khảo, bao gồm:
3.1. Bắt đầu thư với một lời chào chuyên nghiệp
Bắt đầu thư bằng cách chào hỏi tên nhà tuyển dụng hoặc tên phòng ban nếu có thông tin. Lời chào nên lịch sự, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Tránh những câu mở đầu sáo rỗng hoặc quá chung chung.
Ví dụ: “Kính gửi anh/chị [Tên người nhận],”
3.2. Giới thiệu ngắn gọn về bạn và lý do ứng tuyển
Tiếp theo, bạn cần nên nêu rõ tên, vị trí ứng tuyển, và tổng kết ngắn gọn lý do bạn quan tâm đến công ty hoặc vị trí này.
Ví dụ: “Tôi là [Tên bạn], hiện là chuyên viên Marketing với 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tôi viết thư này để bày tỏ mong muốn được ứng tuyển vào vị trí Marketing Manager tại [Tên công ty].”
3.3. Làm nổi bật kinh nghiệm và kỹ năng liên quan
Đây là phần trọng tâm của thư xin việc, vì vậy bạn nên tập trung vào 2–3 thành tựu cụ thể liên quan trực tiếp đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Thay vì chỉ liệt kê kinh nghiệm bạn nên nhấn mạnh vào những đóng góp cụ thể và giá trị mà mình mang lại. Việc lựa chọn những thành tựu có thể đo lường hoặc có kết quả rõ ràng sẽ giúp bạn tạo ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng.
Ví dụ: “Tại công ty cũ, tôi đã xây dựng thành công chiến lược Marketing tăng trưởng 35% lượt truy cập tự nhiên và tối ưu hóa chi phí quảng cáo giúp giảm 20% chi phí nhưng vẫn đạt mục tiêu doanh thu. khả năng phân tích dữ liệu và định hướng chiến lược là lợi thế lớn của tôi trong các chiến dịch tiếp thị.”
3.4. Nêu lý do bạn phù hợp với văn hóa công ty
Nhà tuyển dụng luôn muốn tìm kiếm những ứng viên có khả năng hòa nhập tốt với văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, bạn có thể chọn một hoặc hai điểm nổi bật về văn hóa công ty mà bạn thấy phù hợp với bản thân.
Ví dụ: “Tôi được biết [Tên công ty] luôn ưu tiên sự sáng tạo và làm việc theo hướng dữ liệu, đây cũng là phong cách làm việc mà tôi đã áp dụng và thành công trong những dự án gần đây.”
3.5. Kết thúc thư với lời cảm ơn và đề nghị phỏng vấn
Kết thúc thư bằng cách bày tỏ mong muốn được gặp gỡ nhà tuyển dụng để trao đổi thêm về năng lực của bạn. Đồng thời, đừng quên cảm ơn họ đã dành thời gian xem xét hồ sơ của bạn. Đây là phần giúp bạn để lại dấu ấn cuối cùng trong tâm trí nhà tuyển dụng.
Ví dụ: “Cảm ơn quý công ty đã dành thời gian xem xét hồ sơ của tôi. Tôi mong sẽ sớm có cơ hội trao đổi trực tiếp và chia sẻ thêm về cách mà tôi đóng góp vào sự phát triển của [Tên công ty].”
4. Lưu ý khi viết thư giới thiệu bản thân
Những lưu ý bạn cần biết khi viết thư giới thiệu bản thân
Để có một mẫu thư giới thiệu gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và doanh nghiệp, bạn cần chú ý đến một số yếu tố quan trọng sau đây:
4.1. Tập trung vào nội dung trọng tâm
Một lá thư giới thiệu bản thân hiệu quả nên chỉ dài từ 3 đến 4 đoạn, với mỗi đoạn bạn nên tập trung vào một thông điệp cụ thể. Ngoài ra, nhà tuyển dụng thường không có nhiều thời gian để đọc hết mọi chi tiết trong lá thư. Vì vậy, mỗi câu và mỗi đoạn cần chứa đựng thông tin có giá trị và trả lời trực tiếp câu hỏi: Bạn có thể mang lại giá trị gì cho công ty?
4.2. Cá nhân hóa thư giới thiệu
Đừng sử dụng thư mẫu chung chung cho tất cả các công ty thay vào đó hãy cá nhân hóa từng bức thư theo từng doanh nghiệp và vị trí cụ thể mà bạn ứng tuyển. Bạn cần nghiên cứu kỹ về công ty bạn đang nộp đơn để hiểu rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp, mục tiêu phát triển và các yêu cầu công việc. Dựa vào những thông tin này, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh nội dung thư sao cho phù hợp và làm nổi bật những kỹ năng, kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
4.3. Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi
Cuối cùng, đừng quên kiểm tra lại lá thư giới thiệu trước khi gửi đi. Kiểm tra kỹ các lỗi chính tả, ngữ pháp, và các thông tin trong thư có chính xác hay không. Một lá thư giới thiệu chỉn chu và không có sai sót sẽ là yếu tố quan trọng giúp bạn gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
5. Tham khảo cách viết mẫu thư giới thiệu bản thân
Kính gửi anh/chị [Tên nhà tuyển dụng],
Tôi là [Tên bạn], có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý đội ngũ bán hàng. Tôi viết thư này với mong muốn ứng tuyển vào vị trí Trưởng phòng Kinh doanh tại [Tên công ty].
Trong vai trò gần đây nhất tại [Tên công ty cũ], tôi đã quản lý đội ngũ kinh doanh 15 người và tăng trưởng doanh thu lên 45% trong vòng một năm. Tôi tin rằng với kỹ năng lãnh đạo và khả năng thiết lập chiến lược kinh doanh dựa trên phân tích dữ liệu, tôi có thể góp phần thúc đẩy thành công của đội ngũ bán hàng tại [Tên công ty].
Được biết [Tên công ty] luôn chú trọng vào phát triển con người và xây dựng đội ngũ mạnh mẽ, tôi tin rằng mình có thể hòa nhập và đóng góp vào văn hóa này.
Cảm ơn quý công ty đã dành thời gian xem xét hồ sơ của tôi. Tôi hy vọng có cơ hội gặp mặt để thảo luận chi tiết hơn về cách tôi có thể đóng góp vào sự phát triển của [Tên công ty].
Trân trọng,
[Tên bạn]
[Thông tin liên hệ]
Một mẫu thư giới thiệu xin việc không chỉ đơn thuần là nói về bản thân, mà còn phải làm nổi bật giá trị bạn có thể mang lại cho công ty. Hy vọng với hướng dẫn trên của Langmaster, bạn sẽ dễ dàng hoàn thiện thư giới thiệu bản thân và tạo ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng.