OOH là gì? OOH ( viết tắt của Out of Home) là một thuật ngữ phổ biến trong các chiến dịch Marketing. Mặc dù đây không phải là hình thức quảng cáo mới mẻ nhưng hiện nay đang vẫn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng. Vậy điều gì khiến OOH Marketing trở nên nổi bật trong thời đại kỷ nguyên số hóa? Hãy cùng Langmaster khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Vậy OOH là gì?
Thuật ngữ OOH ( viết tắt của "Out of Home" ) là hình thức quảng cáo ngoài trời nhằm tiếp cận khách hàng trong khoảng thời gian mà họ di chuyển ngoài đường. Hiện nay, quảng cáo này bao gồm cả hai dạng chính là Indoor và Outdoor marketing.
- Outdoor marketing: Các hình thức quảng cáo ngoài trời như màn hình LED, biển quảng cáo trên phương tiện giao thông, bảng hiệu ngoài trời…
- Indoor marketing: Các hình thức quảng cáo trong nhà như tại rạp chiếu phim, siêu thị, sân vận động khép kín, thang máy…
Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, các hình thức quảng cáo ngoài trời cũng được cải tiến để thu hút sự chú ý và tạo cơ hội tương tác mạnh mẽ hơn. Không phải ngẫu nhiên mà đây chính là một yếu tố nền tảng quan trọng trong các chiến dịch Marketing sáng tạo hiện đại.
2. Các hình thức quảng cáo của OOH là gì?
Để hiểu rõ hơn về OOH hãy cùng khám phá những hình thức quảng cáo phổ biến mà các thương hiệu lớn đang áp dụng:
2.1. Biển quảng cáo truyền thống (Billboard)
Đây là hình thức OOH Marketing phổ biến với các biển quảng cáo khổ lớn được đặt tại những tuyến đường đông đúc, nơi có lượng người qua lại cao. Nhờ kích thước nổi bật và vị trí đắc địa, Billboard trở thành công cụ Marketing hiệu quả giúp thương hiệu gia tăng độ nhận diện.
Ví dụ: Coca-Cola tại Việt Nam từng gây ấn tượng mạnh với chiến dịch “Giải lao rồi, Coca-Cola thôi” qua các biển Billboard lớn tại TP.HCM và Hà Nội. Những thiết kế độc đáo kết hợp họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đã tạo hình ảnh sống động về giây phút thư giãn bên ly Coca-Cola. Được đặt tại các vị trí đông đúc như đường Nguyễn Văn Trỗi và Âu Cơ, những biển quảng cáo này thu hút sự chú ý hàng nghìn người mỗi ngày.
2.2. Tranfit - Quảng cáo trên phương tiện giao thông
Quảng cáo OOH qua transit là hình thức quảng cáo di động trên các phương tiện công cộng như taxi, xe buýt, tàu, thuyền và nhiều loại hình khác. Đây là phương pháp hiệu quả để thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi.
Trên các con phố đông đúc, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những quảng cáo nổi bật của các thương hiệu thời trang, thực phẩm cũng như nhiều lĩnh vực khác, được thiết kế một cách ấn tượng trên các phương tiện này.
Tuy nhiên, nếu sử dụng hình thức quảng cáo này tuân thủ theo các quy định cụ thể về thi công và thiết kế như quảng cáo trên xe buýt thường được bố trí ở mặt ngang xe để tối ưu hóa khả năng tiếp cận người dùng…
Ví dụ: Hãng phim Netflix, mang hẳn xe bus “đẫm máu” lên đường phố Thái Lan để quảng bá cho series phim thây ma “All of Us Are Dead” của mình.
2.3. Màn hình Led kỹ thuật số (DOOH)
DOOH là hình thức quảng cáo hiện đại nhất trong OOH và sử dụng các màn hình LED lớn (thường trên 100m²) tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Những màn hình này có khả năng hiển thị TVC sống động, thu hút sự chú ý của người qua lại nhờ hình ảnh sắc nét, màu sắc rực rỡ và nội dung sáng tạo.
Tuy nhiên, DOOH cũng tồn tại một số hạn chế như khó khăn trong việc cấp phép lắp đặt như không được tích hợp âm thanh và nguy cơ gây lóa mắt người tham gia giao thông nếu đặt ở vị trí không phù hợp.
Ví dụ: Coca-Cola tại Times Square sử dụng màn hình kỹ thuật số với hình ảnh chuyển động liên tục, khiến người đi đường không thể rời mắt.
2.4. POSM
POSM (Points of Sale Materials) là hình thức quảng cáo trực quan phụ trợ thường xuất hiện tại các gian trưng bày ở siêu thị, khu vui chơi và các điểm bán lẻ khác. Việc triển khai POSM linh hoạt, đa dạng tùy thuộc vào ngân sách cũng như mục tiêu chiến dịch của công ty như quảng cáo qua tờ rơi, dây treo sản phẩm, tủ kệ và nhiều hình thức khác.
2.5. Roadshow
Quảng cáo Roadshow là hình thức quảng bá di động đưa sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu trực tiếp đến người tiêu dùng trên đường phố. Thường được sử dụng để xây dựng nhận diện thương hiệu hoặc ra mắt sản phẩm mới trong thời gian ngắn.
Roadshow mang lại ưu điểm lớn về tính linh hoạt, hình thức này có thể tổ chức vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, hình thức này cũng đối mặt với nhược điểm như chi phí cao và sự ảnh hưởng của yếu tố môi trường như tắc đường, thời tiết và thủ tục cấp phép.
2.5. Street Furniture
Đây là hình thức quảng cáo đường phố thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ người qua lại. Khác với Billboard thường đặt ở độ cao lớn thì quảng cáo Street Furniture lại sử dụng không gian gần gũi như ghế xe buýt, bốt điện thoại hay các điểm dừng ven đường và công viên tạo cơ hội tiếp cận trực tiếp với người dùng.
Đọc thêm
Truyền thông Marketing là gì? cách xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả
3. Tầm quan trọng của OOH Marketing trong thời đại số
OOH Marketing mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp từ việc gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu cho đến tạo ra những trải nghiệm ấn tượng. Một số lợi ích của OOH Marketing có thể kể đến bao gồm:
- Độ tiếp cận quy mô lớn: Một trong những điểm mạnh nổi bật của OOH Marketing là khả năng tiếp cận đông đảo người xem có thể lên đến hàng nghìn và hàng triệu người mỗi ngày. Đặc biệt, phương thức này không phụ thuộc vào kết nối Internet giúp thông điệp quảng cáo luôn hiện diện một cách mạnh mẽ và liên tục, từ đó để lại ấn tượng trong tâm trí khán giả.
- Tăng cường nhận diện thương hiệu: Những hình ảnh quảng cáo ngoài trời thường có kích thước lớn, thiết kế bắt mắt và được đặt ở các vị trí chiến lược. Điều này giúp thương hiệu dễ dàng in sâu vào trong tâm trí người tiêu dùng ngay cả khi họ chỉ lướt qua một cách nhanh chóng.
- Nâng cao khả năng tương tác: Một số chiến dịch quảng cáo ngoài trời (OOH) có thể kết hợp các yếu tố tương tác như mã QR hoặc số điện thoại nhằm khuyến khích người tiêu dùng tham gia và tương tác. Cách tiếp cận này đã mở ra cơ hội tương tác trực tiếp cũng như kích thích hành động từ phía khách hàng.
- Dịch vụ với chi phí hợp lý: Quảng cáo qua màn hình ngoài trời không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn tối ưu hóa chi phí đầu tư. Khi ngân sách dành cho quảng cáo ngoài trời tăng lên, tỷ lệ lợi nhuận thu về cũng sẽ gia tăng tương ứng giúp bạn đạt được kết quả tốt hơn từ khoản đầu tư của mình.
Đọc thêm
Direct Marketing là gì? Bạn đã biết gì về Direct Marketing
4. Quy trình thực hiện quảng cáo OOH là gì?
Ngoài việc khám phá OOH là gì thì quy trình thực hiện cũng là điều mà các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Để buổi quảng cáo OOH đạt hiệu quả cao, bạn cần tuân theo một quy trình cụ thể như sau:
Bước 1: Nghiên cứu thị trường trước khi triển khai quảng cáo
Trước khi bắt đầu chiến dịch, nghiên cứu thị trường là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng quảng cáo đang thịnh hành như sử dụng màn hình LED, quảng cáo trên phương tiện giao thông, hoặc các hình thức truyền thông sáng tạo khác.
Bên cạnh đó, việc phân tích các chiến dịch quảng cáo của đối thủ cạnh tranh cũng rất cần thiết để bạn hiểu rõ hơn về cách mà họ tiếp cận khách hàng. Từ những thông tin thu thập trên, bạn có thể rút ra bài học kinh nghiệm và phát triển một phương án quảng cáo độc đáo, hấp dẫn hơn để giới thiệu sản phẩm của mình.
Bước 2: Xác định đối tượng khách hàng
Doanh nghiệp cần xác định chân dung khách hàng mà sản phẩm quảng cáo hướng đến. Việc tìm hiểu về sở thích và những địa điểm mà họ thường ghé thăm sẽ giúp bạn hình thành ý tưởng cho hình ảnh, nội dung và lựa chọn kênh quảng cáo phù hợp.
Bước 3: Xác định mục tiêu của chiến dịch là gì?
Để xác định số lượng, tần suất và thời gian quảng cáo phù hợp, bạn cần làm rõ mục tiêu chính của chiến dịch OOH. Ví dụ, nếu bạn đang ra mắt sản phẩm mới lần đầu, việc tiếp cận một lượng khách hàng lớn là rất quan trọng. Ngược lại, nếu mục tiêu là tăng cường nhận diện thương hiệu và sản phẩm, bạn sẽ cần một khoảng thời gian dài để thực hiện chiến dịch hiệu quả.
Bước 4: Thiết kế hình ảnh và thông điệp quảng cáo
Dựa trên kết quả phân tích từ bước 2, doanh nghiệp bắt đầu triển khai ý tưởng thiết kế, lựa chọn hình ảnh và thông điệp phù hợp. Hình ảnh và thông điệp không chỉ cần độc đáo, sáng tạo mà còn phải ẩn chứa nội dung liên quan đến thương hiệu để vừa thu hút sự chú ý vừa truyền tải giá trị cốt lõi một cách tinh tế và hiệu quả.
Bước 5: Xác định ngân sách
Ngân sách chính là “xương sống” quyết định quy mô và khả năng triển khai chiến dịch quảng cáo. Đặc biệt với quảng cáo ngoài trời (OOH), mục tiêu xây dựng nhận diện thương hiệu thường yêu cầu thời gian lâu dài và mức chi phí cao hơn các chiến dịch ngắn hạn. Ngoài ra, chi phí thực hiện tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM hay Đà Nẵng cũng sẽ cao hơn, đòi hỏi doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng để tối ưu hiệu quả.
Bước 6: Triển khai kế hoạch hoàn chỉnh
Khi đã hoàn tất các bước trên, bạn có thể bắt đầu triển khai chiến dịch dựa trên hình thức, số lượng và ngân sách đã được xác định trước.
5. Tìm hiểu Case Study của thương hiệu trong OOH Marketing
5.1. BAEMIN
Tại chiến dịch “món ngon nhà mình” BAEMIN đã gây ấn tượng với người dùng qua một loạt biển quảng cáo nổi bật tại các khu vực trung tâm quận với những câu thơ vần điệu, chơi chữ đầy duyên dáng và đậm chất Việt.
Ví dụ như “Hoàng Mai nhà anh đó, đặt là có anh giao” hay “Anh ở Cầu Giấy gần em lắm đấy, ăn gì anh giao.” Chiến dịch này không chỉ lan tỏa hình ảnh BAEMIN đến với đông đảo người Việt mà còn giúp thương hiệu Hàn Quốc trở nên thân thuộc và gần gũi, hòa nhập tự nhiên vào đời sống của người dân Việt Nam.
5.2. Pepsi
Pepsi đã áp dụng hình thức quảng cáo ngoài trời trong nhiều chiến dịch lớn. Ví dụ, trong chiến dịch “Pepsi mang Tết về nhà” vào năm 2021, Pepsi sử dụng các biển quảng cáo ngoài trời để quảng bá hình ảnh về sự kết nối và đoàn viên trong dịp Tết. Chiến dịch này nổi bật với các biển quảng cáo và màn hình LED tại các điểm giao thông lớn, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Trong bài viết trên chúng tôi đã giải đáp “OOH là gì?”. Hy vọng qua những chia sẻ trên của Langmaster sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp quảng cáo này để có thể áp dụng thành công vào chiến lược Marketing của mình. Chúc bạn thành công.