Trong những năm gần đây, “Hybrid Working” đã trở thành một xu hướng phổ biến, thu hút sự chú ý của cả nhân viên lẫn nhà tuyển dụng. Vậy Hybrid Working là gì và vì sao nó lại đang được ưa chuộng đến vậy? Hãy cùng Langmaster tìm hiểu chi tiết về mô hình làm việc này trong bài viết dưới đây bạn nhé.
1. Mô hình Hybrid Working là gì?
Hybrid Working là mô hình làm việc linh hoạt, kết hợp giữa văn phòng và làm việc từ xa. Điều này có nghĩa là thay vì bị gò bó trong không gian văn phòng cố định, nhân viên có thể làm việc tại nhà hoặc ở bất kỳ nơi đâu có kết nối Internet như quán cà phê…Mục tiêu của mô hình này là tạo điều kiện để nhân viên đạt được năng suất nhưng vẫn duy trì được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Đây không phải là một khái niệm mới trên thế giới, nhưng chỉ thực sự bùng nổ và trở thành xu hướng phổ biến trong thời kỳ COVID-19 khi nhiều doanh nghiệp và nhân viên buộc phải thích ứng, và chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống để phù hợp với hoàn cảnh mới.
2. Những ưu điểm nổi bật của mô hình Hybrid Work là gì?
Mô hình Hybrid Working không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn tạo ra những tác động tích cực lâu dài đối với văn hóa tổ chức và trải nghiệm của nhân viên. Dưới đây là những ưu điểm nổi bật của mô hình này:
2.1. Tối ưu hóa hiệu suất công việc
Nhiều nghiên cứu cho rằng, nhân viên có thể nâng cao hiệu suất lên đến 13% khi làm việc tại không gian mà họ cảm thấy thoải mái. Mô hình Hybrid Working không chỉ giúp giảm tình trạng “Burn out” mà còn loại bỏ nhiều yếu tố gây phân tâm tại văn phòng như tiếng ồn hay các cuộc họp đột xuất, giúp nhân viên tập trung tối đa vào công việc của mình.
2.2. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Nếu mô hình làm việc truyền thống tại văn phòng có thể gây ra tình trạng căng thẳng và khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống cho nhân viên thì mô hình làm việc kết hợp chính là giải pháp cải thiện hiệu quả.
Với Hybrid work, nhân viên có thể chủ động sắp xếp thời gian cho công việc và các hoạt động cá nhân như chăm sóc gia đình, thư giãn cà phê, giúp họ đạt được sự cân bằng và mang lại hiệu quả cao hơn trong công việc.
Theo khảo sát của Global Workplace Analytics năm 2019, mô hình làm việc kết hợp giúp 83% nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn, 82% cảm thấy được tin tưởng, và 81% nhận thấy sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống. Nhờ đó, 81% nhân viên sẵn sàng giới thiệu công ty của họ cho bạn bè.
2.3. Giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp
Khi thời gian làm việc và số lượng nhân viên tại văn phòng giảm, doanh nghiệp có thể tiết kiệm đáng kể chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị và các tiện ích khác. Với khoản chi phí này doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo nhân sự và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần mang lại lợi ích bền vững cho doanh.
2.4. Dễ dàng chiêu mộ nhân tài trên khắp mọi nơi
Mô hình Hybrid Working là một trong những chiến lược tuyển dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới giúp doanh nghiệp vượt qua giới hạn địa lý và tìm kiếm những chuyên gia hàng đầu phù hợp nhất cho từng vị trí.
Việc sở hữu đội ngũ nhân sự dày dặn kinh nghiệm không chỉ giúp tổ chức có thể đảm bảo hiệu suất liên tục 24/7 mà còn có thể linh hoạt trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Đọc thêm:
Top 10+ mô hình quản lý dự án hiệu quả, phổ biến nhất
3. Các loại mô hình Hybrid Working phổ biến hiện nay
Mỗi công ty sẽ thiết lập quy định riêng về hình thức làm việc hybrid nhằm tối ưu hóa hiệu quả công việc. Hiện nay, có bốn mô hình làm việc hybrid phổ biến được áp dụng:
- Hybrid at-will: Mô hình này cho phép nhân viên tự quyết định thời gian làm việc tại văn phòng hoặc từ xa, tùy thuộc vào nhu cầu và sự tiện lợi cá nhân.
- Hybrid split-week: Doanh nghiệp phân chia thời gian và địa điểm làm việc dựa trên tính chất công việc của từng nhân viên hoặc phòng ban, đảm bảo sự phù hợp với nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu công việc.
- Hybrid manager-scheduling: Quản lý trực tiếp sẽ chịu trách nhiệm lên lịch làm việc, bao gồm thời gian và địa điểm, nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và sự phối hợp trong nhóm.
- Hybrid mix: Đây là sự kết hợp linh hoạt của cả ba mô hình trên. Hình thức này thường được các doanh nghiệp vừa và lớn áp dụng, đặc biệt khi nhân viên đảm nhận nhiều vai trò và nhiệm vụ khác nhau.
4. Tìm hiểu mô hình Hybrid Working tại Việt Nam và trên thế giới
Theo khảo sát của Glints và Monk’s Hill Ventures về hơn 10.000 công ty công nghệ ở Singapore, Việt Nam và Indonesia thì tỷ lệ áp dụng mô hình Hybrid Working tại Singapore và Indonesia lần lượt là 63% và 59%, trong khi tại Việt Nam chỉ đạt 11%.
Để giải thích điều này, chúng ta cần xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Nguyên nhân chính là do chi phí nhân công và mặt bằng ở Singapore cao, khiến mô hình làm việc Hybrid trở thành một giải pháp tiết kiệm hiệu quả.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc áp dụng mô hình này vẫn gặp khó khăn do thiếu lộ trình rõ ràng, hệ thống quản lý chưa hoàn thiện và thói quen chấm công, coi trọng thời gian có mặt tại văn phòng.
Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hiện nay, làm việc Hybrid có thể trở thành lựa chọn phổ biến tại Việt Nam trong vài năm sắp tới, đòi hỏi sự chuẩn bị từ cả doanh nghiệp lẫn người lao động để có thể thích ứng một cách hiệu quả.
Đọc thêm:
Tất tần tật về mô hình Ask mà bạn cần phải biết
5. Vậy những thách thức của mô hình Hybrid Work là gì?
Mặc dù mô hình làm việc kết hợp mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó cũng đối diện với không ít thách thức trong quá trình triển khai, bao gồm:
5.1. Chưa thật sự phổ biến và được áp dụng hiệu quả
Mặc dù mô hình làm việc kết hợp mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động, nhưng tại Việt Nam, phương thức làm việc truyền thống vẫn còn rất thịnh hành. Nguyên nhân chủ yếu là do khả năng quản lý nhân viên từ xa vẫn còn hạn chế.
Việc dựa vào báo cáo qua email và các cuộc họp trực tuyến không thể đảm bảo đánh giá chính xác mức độ trung thực của nhân viên khi làm việc tại nhà. Hơn nữa, nhân viên dễ bị phân tâm và mất tập trung, dẫn đến tình trạng tồn đọng công việc, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ làm việc chung của công ty.
5.2. Không phải tất cả ngành nghề đều phù hợp
Mô hình làm việc hybrid đang trở thành xu hướng hiệu quả, nhưng không phải lĩnh vực nào cũng thích hợp với cách này. Các ngành như quảng cáo, bán hàng, Marketing và công nghệ rất phù hợp với hình thức này. Ngược lại, những lĩnh vực yêu cầu bảo mật cao và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, như chứng khoán và ngân hàng, nên tránh áp dụng mô hình hybrid.
5.3. Duy trì văn hóa doanh nghiệp
Một trong những thách thức lớn nhất của hybrid working là làm sao duy trì được văn hóa doanh nghiệp khi nhân viên không gặp gỡ nhau thường xuyên. Các doanh nghiệp cần tổ chức các hoạt động gắn kết nhân viên, khuyến khích sự tương tác và xây dựng các giá trị văn hóa chung.
5.4. Đòi hỏi khả năng quản lý và bảo mật cao
Với hình thức làm việc từ xa, nhân viên thường xuyên kết nối với nhiều mạng wifi khác nhau, bao gồm cả các mạng wifi công cộng. Điều này đã tạo cơ hội cho các hacker lợi dụng sơ hở để xâm nhập và đánh cắp dữ liệu. Vì vậy, doanh nghiệp cần có một đội ngũ công nghệ thông tin chuyên nghiệp cùng với các chính sách bảo mật dữ liệu chi tiết nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Đọc thêm:
[A - Z] Kế hoạch tuyển dụng nhân sự chi tiết, hiệu quả cho doanh nghiệp
6. Các chiến lược áp dụng hybrid working hiệu quả
6.1. Xây dựng chính sách rõ ràng
Để mô hình Hybrid Working phát huy hiệu quả tối đa, doanh nghiệp cần có những quy định rõ ràng về thời gian làm việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng nhân viên để giảm thiểu sự bất đồng và mâu thuẫn trong quá trình vận hành.
6.2. Đầu tư vào công nghệ và công cụ hỗ trợ
Các công cụ giao tiếp, quản lý công việc và công nghệ bảo mật là những yếu tố không thể thiếu để đảm bảo hiệu suất làm việc trong môi trường hybrid. Nền tảng như Zoom, Microsoft Teams, Slack hoặc Trello đều là những công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp kết nối và quản lý công việc hiệu quả hơn.
6.3. Tạo môi trường làm việc kết nối
Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng nhân viên, dù làm việc từ xa hay tại văn phòng, đều cảm thấy được kết nối với văn hóa công ty và có cơ hội tương tác, phát triển như nhau.
6.4. Đo lường và đánh giá hiệu quả
Để đảm bảo mô hình này thực sự mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhân viên, việc đo lường và đánh giá hiệu quả là cần thiết. Doanh nghiệp có thể sử dụng các KPI cụ thể hoặc các cuộc khảo sát định kỳ để đánh giá mức độ hài lòng và hiệu quả công việc của nhân viên.
Đọc thêm:
Quản lý nhân sự là gì? nhiệm vụ & quy trình quản lý nhân sự hiệu quả
Trong bài viết trên chúng tôi đã giải đáp cho bạn về hình thức Hybrid Working là gì Hy vọng với những chia sẻ này của Langmaster sẽ giúp bạn hiểu hơn về mô hình này và những vấn đề xung quanh.