Trong quá trình phỏng vấn, các ứng viên sẽ không thể tránh khỏi một số câu hỏi liên quan đến điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để trả lời sao cho thật ấn tượng và ghi điểm với nhà tuyển dụng. Cùng tham khảo qua bài viết sau của Langmaster để nắm được các cách hay trả lời điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn một cách suôn sẻ nhất nhé!
1. Điểm yếu của bản thân khi phỏng vấn
1.1 Vì sao nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của bạn?
Trong một cuộc phỏng vấn, ngoài điểm mạnh, các ứng viên còn được hỏi về điểm yếu của bản thân. Vì thông qua đó, nhà tuyển dụng muốn xác định khả năng của mỗi người. Trong đó, ba yếu tố nổi bật được người phỏng vấn quan tâm nhất là:
- Khả năng tự nhận thức: Nhà tuyển dụng muốn xác định bạn nhận thức về điểm yếu của bản thân như thế nào. Vì những ai hiểu rõ và chấp nhận mặt hạn chế của mình thì sẽ biết cố gắng để thay đổi.
- Khả năng thay đổi: Điều này thể hiện ở thái độ, mong muốn khắc phục điểm yếu của bạn như thế nào.
- Mức độ ảnh hưởng: Nhà tuyển dụng có thể cân nhắc mức độ phù hợp và chấp nhận điểm yếu không quá gây ảnh hưởng đến công việc của bạn.
1.2 Mẫu câu hỏi về điểm yếu khi phỏng vấn
Người tuyển dụng có thể đưa ra câu hỏi về điểm yếu dưới nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý về mẫu câu hỏi điểm yếu của ứng viên thường được sử dụng nhất:
- Theo bạn, điểm yếu lớn nhất của bản thân là gì?
- Theo bạn, nhược điểm lớn nhất bạn cần khắc phục là gì?
- Công việc này mang đến thách thức nào lớn nhất với bạn?
- Khi nào bạn cảm thấy khó khăn nhất trong công việc?
- Bạn đã từng bị sếp hoặc quản lý phàn nàn về điều gì hay chưa?…
1.3 Các cách trả lời điểm yếu của bản thân khi phỏng vấn
Khi gặp câu hỏi về điểm yếu của bản thân, bạn đừng quá lo lắng mà hãy tham khảo một số tip sau đây để thuận lợi vượt qua “cửa ải” của nhà tuyển dụng nhé!
1.3.1 Biến điểm yếu thành điểm mạnh
Đây là cách trả lời thông minh được áp dụng cho câu hỏi về điểm yếu khi đi phỏng vấn. Cách này cho thấy bạn đủ tinh tế và khéo léo trong ứng xử. Tuy nhiên, bạn lưu ý phải ứng dụng sao cho tự nhiên, với điểm yếu phù hợp để tránh bị gượng gạo.
Ví dụ: Tính cầu toàn, không biết cách từ chối, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những điểm yếu có thể sử dụng cách diễn đạt này để trả lời.
Xem thêm:
=> ĐI PHỎNG VẤN MẶC GÌ? CÁC TIP ĂN MẶC GHI ĐIỂM VỚI NHÀ TUYỂN DỤNG
=> NHỮNG KINH NGHIỆM PHỎNG VẤN XIN VIỆC BẠN KHÔNG NÊN BỎ QUA
1.3.2 Nói về điểm yếu không ảnh hưởng nhiều tới vị trí ứng tuyển
Với câu hỏi điểm mạnh và điểm yếu khi phỏng vấn nói chung, bạn có thể chọn cách không nêu ra điểm yếu lớn nhất hay có liên quan đến công việc. Giải pháp an toàn nhất lúc này là kể ra một điểm yếu mà theo bạn là không gây ảnh hưởng đến công việc. Cách trả lời này có thể áp dụng được với khá nhiều điểm yếu.
Tuy nhiên, bạn cần tránh nhắc đến những điểm yếu nhạy cảm, bị đánh giá thấp trong mọi ngành nghề. Ví dụ: thiếu cẩn thận, thiếu tính kỷ luật, khả năng làm việc nhóm kém… là những điểm trừ mà đa phần các công ty thường không chấp nhận. Bởi đây đều là những kỹ năng mềm cơ bản yêu cầu mọi ứng viên cần phải có.
1.3.3 Nêu điểm yếu kèm cách khắc phục
Khi bạn thành thực nêu ra điểm yếu và đưa ra hướng cải thiện, người phỏng vấn sẽ có cái nhìn sơ lược tích cực về bạn, cũng như định hình được một số khả năng của bạn như:
- Bạn có thể xác định và giảm thiểu các vấn đề phát sinh.
- Bạn tìm ra hướng giải quyết cho một vấn đề mà bạn (và có lẽ những người khác trong nhóm) có thể đối mặt. Điều đó có nghĩa bạn là nguồn lực đem đến nhiều giá trị cho nhóm.
- Bạn có khả năng tự nhận thức và tiếp thu phản hồi từ người khác.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chia sẻ ngắn gọn một ví dụ về việc bạn cố gắng khắc phục điểm yếu của bản thân, chẳng hạn như nhờ người khác giúp đỡ. Điều này giúp nhà tuyển dụng hình dung một bức tranh rõ ràng về cách bạn phối hợp làm việc nhóm, không giữ cái tôi cao để cân bằng điểm yếu đó.
1.3.4 Trình bày điểm yếu một cách ngắn gọn
Khi được hỏi về điểm yếu, tốt nhất bạn nên trình bày ngắn gọn, súc tích, tránh dài dòng không cần thiết. Thứ nhất, thời gian phỏng vấn và dành cho mỗi câu hỏi có hạn. Bạn không nên quá tập trung cho một câu hỏi bất kỳ.
Thứ hai, việc nêu ra quá nhiều điểm yếu hay kể quá chi tiết sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng không tốt về bạn. Vô hình trung bạn sẽ trở nên kém cạnh hơn so với các ứng viên khác. Hơn nữa, việc nói quá nhiều cũng có thể khiến bạn bị “hớ”.
1.4 Những điểm yếu có thể đề cập
Lời khuyên dành cho các ứng viên là nên nói ra điểm yếu của bản thân một cách trung thực. Đồng thời, bạn cũng cần khôn ngoan không chọn các điểm yếu có liên quan đến phẩm chất, kỹ năng cần cho công việc, vị trí muốn ứng tuyển.
Bạn có thể chọn một trong các điểm yếu sau đây: hay tự chỉ trích bản thân, thực hiện nhiều việc cùng một lúc, quá nhạy cảm, thiếu tính kiên nhẫn…
Xem thêm:
=> CÁCH TRẢ LỜI MAIL XÁC NHẬN PHỎNG VẤN GÂY ẤN TƯỢNG VỚI NHÀ TUYỂN DỤNG
=> CÁCH VIẾT THƯ TỪ CHỐI PHỎNG VẤN KHÔNG MẤT LÒNG NHÀ TUYỂN DỤNG
1.5 Mẫu trả lời điểm yếu khi đi phỏng vấn
1.5.1 Tính thiếu kiên nhẫn
Mẫu trả lời tham khảo:
“Tôi thường không có nhiều sự kiên nhẫn khi làm việc nhóm và tính tôi khá là tự cao. Vì vậy, tôi thích làm việc độc lập và ít khi muốn dựa vào người khác để hoàn thành công việc được giao.
Tuy nhiên, tôi đã và đang cố gắng cải thiện mặt không tốt này bằng cách đăng ký tham gia các hội thảo xây dựng nhóm. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng học cách tin tưởng đồng nghiệp và thường xuyên chia đầu việc ra nhờ mọi người hỗ trợ khi cần thiết. Cảm giác được giúp đỡ và san sẻ công việc thật sự cũng mang lại cho tôi niềm vui.”
Đây là cách trả lời khá hay vì với điểm yếu là sự thiếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể thực hiện tốt công việc mà không có cản trở nào, nhất là với công việc không đòi hỏi quá nhiều vào teamwork (làm việc nhóm) để hoàn thành.
1.5.2 Thiếu tổ chức
Câu trả lời mẫu:
“Tôi không giỏi trong việc tổ chức, sắp xếp. Mặc dù điều này ít khi gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc cá nhân, nhưng thi thoảng tôi thấy mình nên thu dọn, dành thời gian để sắp xếp lại không gian làm việc. Đây cũng là cách để tôi làm mới lại nguồn năng lượng, cải thiện mức độ hiệu quả trong công việc.”
Thực tế có khá nhiều người có bàn làm việc bày bừa lộn xộn. Đây là một điểm yếu chung chung và có thể khắc phục được. Lưu ý rằng sự thiếu tổ chức không ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc của bạn, nhưng cũng cần thừa nhận rằng việc thay đổi thói quen này giúp bạn đạt được hiệu quả làm việc cao hơn.
1.5.3 Tính rụt rè
Mẫu trả lời:
“Tôi khá ngại trong việc góp ý xây dựng cho đồng nghiệp (hoặc cấp trên) vì sợ làm họ tổn thương hoặc hiểu lầm. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, mọi người cũng đã khuyến khích tôi chia sẻ suy nghĩ, đóng góp ý tưởng… Điều này giúp tôi trở nên tự tin hơn, và nhận ra rằng những phản hồi của bản thân cũng có ích.”
Thông thường, sự rụt rè có thể được coi là một hạn chế ở nơi làm việc, đặc biệt khi bạn thường xuyên làm việc chung với nhiều người. Câu trả lời trên cho thấy bạn đã tìm được cách khắc phục điểm yếu của mình nhờ vào người khác.
1.5.4 Thiếu đồng cảm
Câu trả lời mẫu:
“Bản tính thẳng thắn, bộc trực đã giúp tôi đạt được thành công với tư cách là người quản lý nhóm trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng sự thẳng thắn không phải lúc nào cũng là cách hay khi phản hồi với nhân viên.
Để khắc phục điều này, tôi đã cố gắng phát triển sự đồng cảm và chủ động xây dựng mối quan hệ sâu sắc với cấp dưới. Ngoài ra, tôi cũng tham gia một khóa học quản lý lãnh đạo để trau dồi khả năng tư duy, hoàn thiện bản thân hơn.”
Ý thức được tính cách thẳng thắn giúp bạn hoàn thành mọi mục tiêu, nhận được sự công nhận của mọi người. Tuy nhiên, để làm việc lâu dài, bạn đã chủ động tìm cách để phát triển thêm khả năng đồng cảm, tạo sự liên kết với người khác… Đây là tiền đề để bạn có thể tiến xa hơn nếu được nhận vào vị trí ứng tuyển của công ty.
Xem thêm: CÁCH VIẾT THƯ CẢM ƠN SAU PHỎNG VẤN CHINH PHỤC NHÀ TUYỂN DỤNG
2. Điểm mạnh của bản thân khi phỏng vấn
2.1 Vì sao nhà tuyển dụng quan tâm đến điểm mạnh của bạn?
Khi hỏi về điểm mạnh của bạn trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ dựa vào thông tin được cung cấp, phân tích những lợi ích mà công ty sẽ thu về được từ bạn. Từ đó, họ sẽ xem xét trong việc chọn bạn hay một ứng viên khác. Vậy nên, bạn cần có sự chuẩn bị để trả lời câu hỏi này và ghi điểm với nhà tuyển dụng.
2.2 Mẫu câu hỏi về điểm mạnh khi phỏng vấn
Dưới đây là một số mẫu câu hỏi về điểm mạnh khi phỏng vấn thường hay đặt ra cho các ứng viên:
- Theo bạn, điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?
- Theo bạn, điều gì sẽ giúp bạn đạt được thành công ở vị trí này?
- Nếu được lựa chọn, bạn nghĩ rằng ưu điểm nào ở bản thân giúp bạn hoàn thành tốt công việc này?
- Bạn có đạt được thành tích nào khi làm việc ở công ty cũ không?…
2.3 Cách trả lời điểm mạnh khi phỏng vấn
Mỗi cá nhân sẽ sở hữu những điểm mạnh khác nhau. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng thường mong đợi ứng viên sẽ sở hữu các ưu điểm như linh hoạt, sáng tạo, tập trung, trung thực, có tính kỷ luật,…
Thông thường, khi được hỏi về điểm mạnh, các ứng viên sẽ liệt kê một loạt các mặt tốt của bản thân. Song cách làm này không thật sự hiệu quả. Hãy tham khảo một số “mẹo” bên dưới để trả lời câu hỏi về điểm mạnh khi phỏng vấn thật suôn sẻ nhé!
2.3.1 Nêu ví dụ cho điểm mạnh của bản thân
Việc chỉ liệt kê một loạt các ưu điểm của bản thân là không sai nhưng bạn sẽ khó tạo được ấn tượng mạnh. Thay vào đó, hãy đưa ra ví dụ, kể một câu chuyện hoặc nêu dẫn chứng để làm nổi bật một điểm mạnh nào đó. Cách này sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ và tin tưởng hơn vào điểm mạnh bạn đang sở hữu.
Ngoài ra, hãy đảm bảo câu chuyện bạn kể về điểm mạnh của bản thân có tính trung thực. Vì nhà tuyển dụng dày dạn kinh nghiệm luôn có cách để phân biệt một câu chuyện thật đã diễn ra hay chỉ là dàn dựng.
2.3.2 Nhấn mạnh lợi ích từ thế mạnh của bạn
Nếu không thích kể chuyện hay đưa ra dẫn chứng rắc rối khi nói về điểm mạnh của bản thân, bạn có thể thay đổi câu trả lời bằng cách nhấn mạnh lợi ích mà kỹ năng đó mang lại cho công ty. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đề cập đến sự phù hợp của điểm mạnh đó với vị trí ứng tuyển và công ty ở phần cuối câu trả lời.
2.3.3 Trình bày trung thực về điểm mạnh
Với câu hỏi về điểm mạnh điểm yếu khi phỏng vấn, điều mà nhà tuyển dụng mong đợi là câu trả lời đúng sự thật. Do đó, bạn không nên dàn dựng hay tự vẽ ra những ưu điểm nằm ngoài khả năng. Khi nói đúng về thế mạnh của bản thân, bạn sẽ nhận được đánh giá cao và ghi điểm với nhà tuyển dụng.
2.3.4 Trả lời ngắn gọn về điểm mạnh
Tương tự như khi nói về điểm yếu, bạn không nên dành quá nhiều thời gian để liệt kê toàn bộ điểm mạnh của bản thân. Hãy chỉ tập trung vào một đến hai điểm mạnh nổi trội nhất. Đồng thời, chú ý cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, đủ thông tin sẽ tốt hơn là nói dài dòng, lê thê dẫn đến sai trọng tâm.
2.4 Những điểm mạnh cần đề cập khi phỏng vấn
- Một số điểm mạnh đòi hỏi cho nhiều ngành nghề, công việc khác nhau như: linh hoạt, trung thực, kiên nhẫn, hòa hợp với nhóm…
- Bên cạnh đó, bạn có thể nêu thêm những điểm mạnh mà bản thân cảm thấy phù hợp với vị trí ứng tuyển nhằm tăng cơ hội được nhận vào làm.
2.5 Mẫu trả lời điểm mạnh của bản thân khi phỏng vấn
Dưới đây là một số mẫu câu trả lời bạn có thể tham khảo khi nhận được câu hỏi về điểm mạnh khi phỏng vấn:
- “Tôi được đánh giá là có khả năng lên ý tưởng và viết lách tốt. Tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong ba năm viết tự do cho các công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi tự tin rằng, nếu được trao cơ hội, tôi có thể thể hiện tốt bản thân trong quá trình lên dàn ý, xây dựng kịch bản theo chủ đề…”
- “Tôi có nhiều kiến thức trong lĩnh vực công nghiệp này. Vì đã từng gắn bó với ngành marketing và kinh doanh trong suốt 10 năm, tôi đã có vốn kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả truyền thông. Với những gì tôi đã cống hiến, doanh thu của công ty cũ đã có những bước khởi sắc tăng trưởng 4% cho mỗi năm…”
- “Tôi nghĩ bản thân hợp với vai trò dẫn dắt, lãnh đạo. Tôi thường xuyên sử dụng và rèn luyện khả năng lãnh đạo bằng việc theo dõi, đánh giá hiệu suất làm việc của mỗi cá nhân trong nhóm, trao đổi thẳng thắn và khen ngợi khi cần thiết. Tôi muốn tiếp tục phát triển kỹ năng này ở vị trí làm việc tiếp theo.”
- “Tôi có tinh thần làm việc nhóm hiệu quả. Ở công ty cũ, tôi đã từng làm leader cho một nhóm cùng hoàn thành một dự án truyền thông. Tôi cảm thấy bản thân là người truyền cảm hứng, có thể gắn kết các thành viên cùng làm việc và hướng đến mục tiêu chung, đưa hiệu suất công việc của nhóm lên cao…”
Như vậy, bài viết trên của Langmaster đã tổng hợp lại tất tần tật những kiến thức hữu ích để trả lời câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn. Hy vọng bạn đọc sau khi tham khảo bài viết có thể tự tin để đối mặt với câu hỏi dạng này, thuận lợi vượt qua vòng phỏng vấn và có được công việc mong muốn nhé!
Xem thêm: LANGMASTER - TUYỂN DỤNG GIẢNG VIÊN TIẾNG ANH ONLINE