Nghề sale luôn là một công việc thu hút nhiều người quan tâm với nhu cầu tuyển dụng cao. Để có thể cạnh tranh với các ứng viên khác, bạn cần chuẩn bị một bản CV chỉn chu và bài bản để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Cùng tìm hiểu cách viết một chiếc CV nhân viên sale chuẩn chỉnh qua hướng dẫn chi tiết bên dưới nhé!
1. Cách viết CV nhân viên sale chi tiết
1.1 Trình bày thông tin cá nhân
Phần đầu tiên cần phải có trong bất kỳ một CV xin việc nào chính là thông tin cá nhân của ứng viên, bao gồm:
- Họ và tên
- Địa chỉ
- Cách thức liên lạc: Số điện thoại, email
Thông tin cá nhân trong CV nhân viên sale của bạn cần đầy đủ và chính xác. Ngoài ra phần ảnh đại diện cũng nên lựa chọn ảnh chân dung tươi sáng, không dùng filter để tạo ấn tượng tốt khi nhà tuyển dụng đọc CV của bạn.
THAM KHẢO: LANGMASTER TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN SALE
1.2 Xác định mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp ở đây là những mong muốn, định hướng, kế hoạch trong tương lai về nghề nghiệp của bạn. Đây cũng là một tiêu chí cần thiết để nhà tuyển dụng cân nhắc lựa chọn ứng viên gắn bó sau này với công ty.
Đặc thù của nghề sale đòi hỏi mục tiêu nghề nghiệp phải thể hiện được chí cầu tiến, tính năng động và không ngại học hỏi. Bạn có thể chia ra thành mục tiêu ngắn hạn, ví dụ như: đạt doanh số, tăng lợi nhuận cho công ty trong 1 tháng, trau dồi các kỹ năng… và mục tiêu dài hạn như trở thành quản lý, trưởng phòng kinh doanh…
Ví dụ đối với sinh viên mới ra trường, bạn có thể trình bày ở phần mục tiêu nghề nghiệp như sau:
“Là sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh thương mại, tôi mong muốn có thể phát huy được hết những gì đã học vào thực tế với mong muốn đóng góp vào sự phát triển không ngừng của công ty. Định hướng sau này của tôi là tích lũy thật nhiều kinh nghiệm để có thể gắn bó với công ty trong vài năm tiếp theo. Tôi đặt mục tiêu thăng tiến cho bản thân chính là vị trí giám sát bán hàng sau 2 năm làm việc.”
1.3 Tóm tắt trình độ học vấn
Trên thực tế, trình độ học vấn không phải là yếu tố cốt lõi mà nhiều nhà tuyển dụng quan tâm. Tuy nhiên, bạn cũng cần trình bày mục này rõ ràng trong CV nhân viên sale của mình để khi nhìn vào đó, nhà tuyển dụng sẽ biết bạn có từng học chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực bán hàng hay không.
Bạn chỉ cần nêu ngắn gọn một số thông tin về trường, chuyên ngành học và xếp loại cùng điểm trung bình. Ví dụ:
- Trường Đại học ABC
- Ngành: Quản trị Doanh nghiệp
- Xếp loại: Khá
- Điểm trung bình: 3.0
Xem thêm:
CÁCH VIẾT MẪU CV NHÂN VIÊN BÁN HÀNG CHUẨN CHỈNH MỚI NHẤT
CÁCH VIẾT CV NHÂN VIÊN CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG CHUYÊN NGHIỆP MỚI NHẤT
1.4 Chia sẻ kinh nghiệm làm việc
1.4.1 Đối với sinh viên mới ra trường hay người chưa có kinh nghiệm
CV nhân viên sale của bạn có thể sẽ khó cạnh tranh hơn, tuy nhiên bạn có thể tận dụng điểm mạnh là sau quá trình học hỏi, đào tạo thì có thể dễ dàng đi theo đúng định hướng của công ty. Để làm CV thêm phong phú, bạn đừng ngại đề cập đến những kinh nghiệm từ công việc làm thêm khi còn đi học hay thực tập. Nếu có thành tích nào nổi bật, bạn hãy mạnh dạn đưa vào CV để ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Ví dụ tham khảo:
- Nhân viên thu ngân Part time tại Cửa hàng Thời trang XYZ cơ sở Đống Đa (7/2022 - nay).
- Nhân viên lễ tân tại Khách sạn Starlight, Hai Bà Trưng (1/2020 - 7/2022).
1.4.2 Đối với người đã có kinh nghiệm
Với những bạn đã có kinh nghiệm bán hàng thì hãy nêu rõ những thành tích bạn đã đạt được ở công việc sale trước đây. Con số KPI, % lợi nhuận,… chính là thứ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Không nên trình bày chung chung mà cố gắng cụ thể hóa bằng số liệu xác thực để chứng tỏ bạn là ứng viên tiềm năng.
Ví dụ tham khảo:
Công ty Thời trang S – Nhân viên bán hàng (12/2021 - nay)
- Tư vấn cho khách hàng và chốt đơn các sản phẩm thời trang của công ty.
- Tìm kiếm khách hàng tiềm năng qua các trang mạng xã hội.
- 5 tuần liên tiếp trở thành nhân viên đạt doanh số cao nhất trong ca làm việc.
1.5 Lựa chọn kỹ năng mềm phù hợp
Kỹ năng mềm là công cụ không thể thiếu trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, bán hàng. Nhân viên sale đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, đảm nhận quá trình giới thiệu, tư vấn về sản phẩm và dịch vụ.
Do đó, trong CV nhân viên sale, bạn cần tập trung vào các kỹ năng liên quan đến công việc bán hàng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch, kiểm soát cảm xúc… Hãy lựa chọn kỹ năng mềm bản thân cảm thấy tự tin nhất để đưa vào trong CV của mình nhé!
1.6 Liệt kê các chứng chỉ cần thiết
Ngoài kỹ năng và trình độ học vấn, nếu có chứng chỉ kèm theo, bạn sẽ giành được lợi thế rất lớn trước những ứng viên khác. Đối với vị trí nhân viên sale, bạn nên có chứng chỉ ngoại ngữ, bằng tin học hoặc các chứng chỉ khác liên quan đến ngành nghề, công việc như Marketing để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa tên các giải thưởng, liệt kê thành tích đã từng đạt được trong các hoạt động ngoại khóa, phong trào được tổ chức có liên quan đến công việc sale khi còn đi học hoặc đi làm trước đây.
1.7 Nói qua về sở thích, tính cách
Dù chỉ là phần ngoài lề nhưng nếu trong CV nhân viên sale, ứng viên có nhắc đến sở thích hay tính cách phù hợp với tính chất của công việc thì nhà tuyển dụng cũng sẽ có ấn tượng hơn. Bạn chỉ cần nêu đơn giản 2-3 sở thích, đặc điểm tính cách nổi bật và đừng quên thể hiện sự tự tin, tích cực và năng động của bản thân nhé!
Ví dụ:
- Giao lưu, kết bạn
- Du lịch
- Tham gia các hoạt động tình nguyện
Xem thêm:
NHÂN VIÊN TƯ VẤN TUYỂN SINH CẦN KỸ NĂNG GÌ?
KỸ NĂNG ĐÀM PHÁN LÀ GÌ? CÁC TIPS ĐÀM PHÁN HIỆU QUẢ TRONG KINH DOANH
1.8 Thêm mục người tham chiếu
Người tham chiếu hay References trong CV là phần thông tin giúp nhà tuyển dụng có thể xác thực được những điều ứng viên đã nêu trong CV (kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn…) có đáng tin cậy hay không. Danh mục người tham chiếu thường được đặt ở phần cuối của CV, giúp nhà tuyển dụng có thể thuận tiện đối chiếu và liên hệ sau khi đã xem xét hết các thông tin của ứng viên.
Thông tin người tham chiếu thường bao gồm:
- Họ và tên
- Chức vụ
- Công ty làm việc
- Mối quan hệ với ứng viên
- Cách thức liên lạc cụ thể (số điện thoại, email).
Lưu ý, bạn cần có sự đồng ý của người tham chiếu trước khi đưa các thông tin liên quan đến họ vào CV. Do đó, hãy chủ động liên lạc và nhận được sự cho phép của người đó rồi mới đưa thông tin của họ vào CV của mình nhé!
2. Một số lưu ý khi viết CV nhân viên sale
Khi thiết kế một CV nhân viên sale thì hầu như mọi người đều mắc phải một số lỗi phổ biến. Dưới đây là một số điểm bạn cần lưu ý trong quá trình viết CV:
2.1 Chọn lọc những thông tin quan trọng
Một lỗi sai thường thấy trong nhiều bản CV là trình bày quá nhiều thông tin, không có sự chọn lọc phù hợp. Trong một bản CV nhân viên sale, bạn cần đảm bảo đưa vào một số thông tin quan trọng như: mục tiêu nghề nghiệp, các kỹ năng liên quan đến công việc, kinh nghiệm làm việc… Đây chính là những mục bắt buộc phải có trong CV để nhà tuyển dụng có thể nắm rõ được ứng viên.
2.2 Sử dụng số liệu để chứng minh thành tích
Để chứng minh bạn là một ứng viên tiềm năng, xứng đáng với vị trí công việc, trong CV nhân viên sale của bạn cần kèm theo thành tích với số liệu chính xác. Hãy thêm vào các con số cụ thể khi trình bày phần kinh nghiệm làm việc. Ví dụ: Doanh thu bán hàng quý I tăng 10% và giành được giải thưởng “Nhân viên xuất sắc của tháng”...
Hoặc ở phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn có thể đặt ra KPI cần đạt trong 1 tháng là bao nhiêu. Với số liệu chi tiết và rõ ràng trong thành tích, nhà tuyển dụng sẽ dễ chú ý và cân nhắc CV nhân viên sale của bạn nhiều hơn.
2.3 Sử dụng các từ khóa về nghề sale
Hiện nay, nhiều công ty, doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng AI để quét hồ sơ CV. Do đó, nếu biết chèn vào những từ khóa liên quan đến ngành nghề sale một cách phù hợp, CV của bạn sẽ dễ được nhận diện hơn trong máy sàng lọc hồ sơ. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng, khi thể hiện sự chuyên nghiệp, mức độ hiểu biết về vị trí, công việc ứng tuyển.
2.4 Thể hiện bản thân phù hợp với vị trí ứng tuyển
Để tăng khả năng cạnh tranh, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy những ưu điểm nổi bật của bản thân so với các ứng viên khác. Hãy trình bày những thông tin có liên quan đến vị trí ứng tuyển, chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được bạn chính là người phù hợp với yêu cầu của họ.
Ví dụ, nghề sale đòi hỏi khả năng hoạt ngôn, thái độ kiên nhẫn thì trong CV nhân viên sale bạn có đưa vào thông tin ở mục kỹ năng mềm như: khả năng giao tiếp tốt, biết kiểm soát cảm xúc… để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Xem thêm: TỔNG HỢP CÁC KỸ NĂNG TRONG CV GIÚP CHINH PHỤC MỌI NHÀ TUYỂN DỤNG
2.5 Trình bày ngắn gọn, rõ ràng, đúng chính tả
Lối viết dài dòng, lan man là lỗi thường gặp ở những người mới viết CV, chưa có nhiều kinh nghiệm. Một bản CV tiêu chuẩn thường có độ dài từ 1 đến 1,5 trang A4 và yêu cầu trình bày rõ ràng. Hãy sắp xếp các nội dung quan trọng ở phần đầu CV và cố gắng sử dụng từ ngữ có thể bao quát được hết ý cần trình bày.
Ngoài ra, vì bố cục CV thường đơn giản và không quá nhiều nội dung nên nhà tuyển dụng chỉ cần lướt qua là có thể bắt gặp lỗi đánh máy, sai chính tả… Do đó, bạn cũng cần chú ý đến lỗi chính tả trong quá trình viết CV để đảm bảo sự chuyên nghiệp, cũng như không để lại ấn tượng “thiếu cẩn thận” trong mắt nhà tuyển dụng.
2.6 Trung thực khi cung cấp thông tin
Khi viết CV nhân viên sale, hãy đảm bảo các thông tin bạn cung cấp đều trung thực và rõ ràng. Vì nhà tuyển dụng có thể dựa vào mục người tham chiếu hoặc liên hệ trực tiếp với công ty, doanh nghiệp cũ để xác minh lại thông tin của bạn.
Nếu thông tin bị phát hiện thiếu trung thực, CV của bạn sẽ bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao các ứng viên có lòng trung thực, đức tính khiêm tốn và có trách nhiệm. Do đó đừng nên viết những gì bạn không có nhé!
2.7 Lựa chọn màu sắc phù hợp
Ngoài nội dung, khi thiết kế CV, chúng ta còn cần chú ý đến yếu tố màu sắc. Dù chỉ là một phần nhỏ, nhưng việc lựa chọn màu sắc hài hòa, tạo cảm giác dễ chịu khi đọc cũng là một cách giúp bạn tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Về màu chủ đạo của CV, bạn có thể sử dụng các gam màu có sự tương đồng với màu sắc của thương hiệu công ty đang ứng tuyển, nhằm tạo ấn tượng đặc biệt. Ngoài ra, chú ý không phối quá nhiều màu sắc trong bản CV hay chọn những màu nền quá chói, trùng với màu chữ dẫn đến nhà tuyển dụng không đọc được nội dung.
2.8 Tối ưu độ dài và bố cục của CV
Khi viết CV nhân viên sale, bạn cần chú ý về độ dài và bố cục tổng thể để đảm bảo tính cân đối. CV nên chứa đầy đủ thông tin và trình bày ngắn gọn, với khoảng cách giữa các mục hợp lý. Với các phần quan trọng như kinh nghiệm làm việc, bạn nên ưu tiên không gian ở phần giữa CV để trình bày một cách cẩn thận và rõ ràng.
2.9 Kiểm tra kỹ trước khi gửi cho nhà tuyển dụng
Khi viết xong CV, bạn cần kiểm tra kỹ lại trước khi gửi đến nhà tuyển dụng. “Cẩn tắc vô áy náy” sẽ giúp bạn tránh những lỗi không đáng có. Vì bất kỳ sai sót nào, đặc biệt ở phần thông tin cá nhân có thể khiến bạn bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Do đó, hãy thể hiện tính chuyên nghiệp ngay ở việc kiểm tra thông tin bạn nhé!
3. Các mẫu CV nhân viên sale tham khảo
3.1 Mẫu CV nhân viên sale tiếng Việt
3.2 Mẫu CV nhân viên sale tiếng Anh
Trở thành một nhân viên sale không hề khó nếu bạn biết cách gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ngay từ vòng gửi CV. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã biết cách để viết CV nhân viên sale đầy đủ thông tin, ngắn gọn và dễ tạo điểm nhấn để thành công lọt vào vòng tiếp theo.