Một trong những bước quan trọng trong việc kinh doanh đó là việc phân khúc thị trường. Bạn đã hiểu rõ về khái niệm này và vì sao nó có một vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Tiếng Anh giao tiếp Langmaster nhé.
1. Phân khúc thị trường là gì?
Phân khúc thị trường là một thuật ngữ trong marketing chỉ việc chia thị trường chung thành các nhóm nhỏ có đặc điểm chung về nhân khẩu học, hành vi, sở thích,… Mục tiêu cốt lõi là việc giúp doanh nghiệp biết được chính xác đối tượng mục tiêu, từ đó, triển khai các chiến lược marketing một cách hợp lý.
Phân khúc thị tường được biết đến từ những năm 1950, khi mà các chuyên gia marketing đã nhận ra việc không thể áp dụng một chiến chung cho toàn bộ thị trường, mà cần có sự linh động giữa các nhóm khách hàng khác nhau. Do đó, việc phân khúc thị trường đã trở thành phương pháp quan trọng trong marketing.
Khi nắm bắt được phân khúc thị trường, các doanh nghiệp có thể đạt được rất nhiều lợi ích trong kinh doanh. Thậm chí, hiệu quả kinh doanh cũng được nâng cao hơn rất nhiều so với việc tiếp thị cho một thị trường tổng thể.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này thì không phải dễ. Cần có sự nghiên cứu tỉ mỉ liên quan đến khách hàng để có thể nắm rõ nhu cầu, hành vị của họ để có thể phân chia nhóm một cách hiệu quả. Chính vì vậy, các công ty luôn rất chú trọng và cẩn thận, coi đây là công đoạn quan trọng trong quá trình triển khai các chiến lược.
Phân khúc thị trường là gì?
2. Cơ hội và thách thức của việc phân khúc thị trường
Phân khúc thị trường là một phương pháp mang lại nhiều lợi ích như đã nói ở trên. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là những thách thức mà doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ lưỡng. Hãy cùng tìm hiểu về những lợi ích cũng như thách thức của phân khúc thị trường qua phần dưới đây.
Cơ hội và thách thức trong việc phân khúc thị trường
2.1. Cơ hội ích từ việc phân khúc thị trường
2.1.1. Hiểu rõ hơn về khách hàng và thị trường hướng đến
Bằng cách phân loại thị trường thành các đối tượng khách hàng khác nhau dựa trên đặc điểm riêng của họ, các doanh nghiệp có thể thu thập và đánh giá dữ liệu về nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng, thói quen mua sắm của họ, hành vi và thậm chí cả thái độ với giá của từng nhóm khách hàng.
Điều này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng các hồ và hành trình khách hàng, mà nó còn cung cấp thông tin chi tiết về thị trường và đối tượng khách hàng tương ứng.
Lợi ích của việc phân khúc thị trường
2.1.2. Nhấn mạnh vào khách hàng mục tiêu
Rõ ràng là không phải tất cả phân khúc thị trường cũng như khách hàng đều có thể tạo ra những giá trị thương mại hiệu quả. Do đó, việc tập trung vào những nhóm khách hàng mục tiêu là điều vô cùng cần thiết.
Từ việc phân khúc thị trường, doanh nghiệp sẽ xác định được nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những định hướng phát triển cụ thể, cũng như những chiến lược phù hợp để tấn công khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất.
2.1.3. Tạo ra lợi thế cạnh tranh cho công ty
Các doanh nghiệp khi đầu tư cho một thị trường rộng lớn thường cảm thấy khó khăn hơn do phải tốn nhiều nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, cũng khó để xác định được những việc cần thiết, cũng như đối tượng cần thiết. Chính vì vậy mà khó để tạo ra lợi thế riêng biệt.
Khi doanh nghiệp tập trung vào một phân khúc, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực để tạo ra những thế mạnh riêng của công ty mình. Từ đó, công ty có được những lợi thế cạnh tranh khác biệt. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp luôn cố gắng để tạo ra khi tham gia kinh doanh trên các thị trường.
2.1.4. Tạo ra các chiến lược marketing hiệu quả
Một trong những lợi ích quan trọng của việc phân khúc thị trường đó là việc doanh nghiệp có thể cho ra những chiến lược marketing hiệu quả và chất lượng. Sau khi xác định được đối tượng khách hàng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể triển khai các chiến lược riêng biệt cho từng phân khúc.
Bằng việc điều chỉnh các yếu tố thành phần của marketing mix như giá cả, phân phối hay sản phẩm, doanh nghiệp có thể đạt được sự hài lòng của khách hàng khi đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của họ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể gia tăng tỷ lệ chuyển đổi, giảm tỷ lệ từ chối.
Không chỉ vậy, chiến lược marketing còn có thể được tiết kiệm chi phí do không tốn tài nguyên cho những đối tượng không phù hợp. Đây chính là việc tạo ra giá trị từ việc phân khúc thị trường.
Việc phân khúc thị trường giúp tạo ra những chiến lược marketing hiệu quả
Xem thêm: BIG DATA LÀ GÌ? TẤT TẦN TẬT KIẾN THỨC VỀ BIG DATA HIỆN NAY
2.2. Những thách thức của việc phân khúc thị trường.
2.2.1. Thách thức trong việc thu thập và phân tích dữ liệu
Các nguồn dữ liệu là nhân tố không thể thiếu để có thể phân khúc thị trường một cách hiệu quả và chính xác. Doanh nghiệp cần phải thu thập và có nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác liên quan đến tình hình thực tại của thị trường cũng như khách hàng.
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có sự đầu tư không chỉ về thời gian, chi phí, mà còn về nhân lực để có thể có được lượng dữ liệu cần thiết, cũng như phục vụ cho công việc phân tích dữ liệu sau đó. Việc phân tích dữ liệu cũng cần được quan tâm để đảm bảo độ chính xác cũng, qua đó, gia tăng hiệu quả công việc.
Khó khăn trong việc phân tích dữ liệu để phân khúc thị trường
2.2.2. Thách thức trong việc lựa chọn các tiêu chí phân khúc
Để phân chia thị trường, doanh nghiệp cần có những tiêu chí cụ thể và thống nhất, đảm bảo tính chính xác và khả thi. Tuy nhiên, không phải tất cả các tiêu chí đều đúng với tất cả các công ty hay sản phẩm của họ. Do đó, các công ty, doanh nghiệp cần phải chọn lựa những tiêu chí phù hợp nhất.
Để làm được điều này, đòi hỏi công ty cần có kiến thức sâu rộng, cái nhìn sâu sắc về thị trường cũng như các tệp khách hàng. Bên cạnh đó, họ cũng cần có sự hiểu biết sâu và kỹ lưỡng về mục tiêu của công ty, hướng đi của công ty là gì, đặc biệt là về những yếu tố liên quan đến sản phẩm.
2.2.3. Thách thức trong việc thiết kế và tiến hành các chiến lược marketing riêng biệt
Sau khi đã phân khúc thị trường thành công, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khác, một trong số đó là việc tạo ra và triển khai các chiến lược marketing riêng cho từng phân khúc.
Đây không phải là một công việc dễ dàng vì mỗi phân khúc sẽ có những yêu cầu và đặc điểm khác nhau, và doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng, các công cụ phù hợp, cùng với đó là đội ngũ nhân viên có kỹ năng để có thể giải quyết vấn đề này.
Đối với những doanh nghiệp ít phân khúc thì có vẻ công việc sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có đa dạng phân khúc thị trường thì đây sẽ là một vấn đề thực sự khó.
3. 4 loại phân khúc thị trường phổ biến
Các loại phân khúc thị trường quen thuộc
3.1. Phân khúc theo nhân khẩu học
Phương pháp phân khúc thị trường theo nhân khẩu học là cách chia nhỏ thị trường thành các nhóm nhỏ theo đặc điểm nhân khẩu học của khách hàng. Các đặc điểm đó có thể bao gồm tuổi tác, tình trạng hôn nhân, tình trạng thu nhập, tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc hay trình độ học vấn,….
Các đặc điểm nhân khẩu học là những đặc điểm cơ bản, cụ thể, có thể đo lường và phân loại được. Các đặc điểm này đa phần thường rõ ràng và có tính xác thực. Những yếu tố này thực tế có ảnh hưởng đến những quyết định và hành vi mua sắm, cũng như sở thích của khách hàng. Do đó, doanh nghiệp có thể phân khúc thị trường dựa trên những yếu tố này.
Ví dụ một khách hàng nam thanh niên thì sẽ có những đặc điểm một khách hàng nữ trung niên. Doanh nghiệp sẽ dựa vào những thông tin nhân khẩu học để xếp họ vào những phân khúc khác nhau sao cho phù hợp.
3.2. Phân khúc thị trường dựa trên vị trí địa lý
Vị trí địa lý chính là một yếu tố tiếp theo để các công ty có thể phân khúc thị trường của họ. Vị trí địa lý bao gồm các yếu tố như quốc gia, khu vực, địa hình, thành phố,….Những yếu tố này sẽ tác động đến nhu cầu của khách hàng từ đó ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của khách hàng.
Dựa vào yếu tố địa lý, các doanh nghiệp có thể phân tích để phán đoán tâm lý khách hàng, xác định những nhu cầu cụ thể của họ, từ đó có những cải tiến về sản phẩm để phù hợp với khách hàng.
Một ví dụ đơn giản có thể hiểu trong trường hợp này đó là nhu cầu của người dân sống vùng nóng sẽ khác với nhu cầu người dân sống vùng lạnh. Như vậy, dựa trên yếu tố về vị trí địa lý, các doanh nghiệp biết mình cần làm gì để bán hàng thành công.
3.3. Phân khúc thị trường dựa trên hành vi
Phân khúc thị trường theo hành vi là cách mà doanh nghiệp đánh giá khách hàng của họ dựa trên sự tương tác của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Phương pháp này sẽ không tập trung vào các yếu tố như vị trí địa lý, tuổi tác hay trình độ học vấn,… thay vào đó, nó tập trung vào các yếu tố liên quan đến sản phẩm.
Các yếu tố mà doanh nghiệp có thể tận dụng bao gồm tần suất mua hàng, phản ứng với giá và sự thay đổi giá, mức độ trung thành của khách hàng, phản ứng của khách hàng với chất lượng, mức độ sử dụng,… Những yếu tố này cho thấy được thái độ và cách khách hàng phản ứng với sản phẩm của công ty.
Từ đó, công ty biết được các vấn đề khách hàng đang gặp phải, cũng đồng thời phân khúc được khách hàng. Như vậy, vừa hoàn thành chia nhỏ thị trường, vừa xác định vấn đề của người mua. Ví dụ, người mua không quan tâm ưu đãi và người chờ có ưu đãi mới mua là nhóm khách hàng khác nhau, và vấn đề của một nhóm là giá cả.
3.4. Phân khúc thị trường dựa trên yếu tố tâm lý
Cách cuối cùng trong những cách xác định phân khúc thị trường phổ biến đó là phân khúc thị trường theo yếu tố tâm lý. Đây là cách mà các công ty chia nhỏ thị trường dựa trên các yếu tố như sở thích, lối sống hay thái độ của họ.
Các chia nhỏ thị trường theo yếu tố tâm lý là một cách khá hiệu quả vì nó cho phép doanh nghiệp có thể tập trung vào nhóm khách hàng cụ thể, nắm rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó có những chiến lược marketing cụ thể.
Các yếu tố trong phương pháp này có thể bao gồm:
- Tính cách: Những đặc điểm cá nhân như sự hướng ngoại, tính cách tự tin hay rụt rè có thể có ảnh hưởng đến cách mà người tiêu dùng quyết định mua sắm. Ví dụ, những người có xu hướng hướng ngoại có thể ưa thích việc mua sắm trực tiếp hơn là qua mạng, trong khi những người có tính cách hướng nội có thể cảm thấy thoải mái hơn khi mua sắm trực tuyến để bảo vệ sự riêng tư của mình.
- Giá trị: Giá trị là những điều mà khách hàng coi trọng và hướng đến. Các giá trị mà khách hàng quan tâm có thể bao gồm giá cả, tính năng, tính bền vững, chất lượng,…
- Thái độ: Thái độ hay cách nhìn nhận của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ. Sự đánh giá của khách hàng sẽ là yếu tố cho biết họ có muốn mua sản phẩm hay không. Ví dụ những người đặt nhiều quan tâm đến các yếu tố môi trường thì thường sẽ chi tiền cho các sản phẩm bảo vệ môi trường.
Xem thêm:
TỔNG HỢP 12+ CÔNG CỤ MARKETING TỐI ƯU, HIỆU QUẢ NHẤT 2023
CẤP ĐỘ SẢN PHẨM LÀ GÌ? CHI TIẾT MÔ HÌNH 5 CẤP ĐỘ SẢN PHẨM TRONG MARKETING
4. Quy trình 5 bước phân khúc thị trường
Quy trình 5 bước phân khúc thị trường
Bước 1: Nghiên cứu và xác định thị trường mục tiêu
Để phân khúc thị trường một cách hiệu quả, trước tiên bạn cần phải nghiên cứu và xác định thị trường mục tiêu. Bắt đầu bằng việc nghiên cứu và hiểu rõ về thị trường mục tiêu. Thu thập dữ liệu về kích thước thị trường, xu hướng tiêu dùng, đặc điểm địa lý và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến hành vi mua hàng.
Việc xác định thị trường mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp biết nhiều hơn về khách hàng, biết được vị trí của mình để có những chiến lược hiệu quả. Để có thể xác định được thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể đưa ra những câu hỏi như:
- Mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là gì? Để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp hướng tới thị trường nào?
- Sản phẩm phù hợp thị trường lớn hay thị trường nhỏ? Có phải thị trường ngách không?
- Vị trí của thương hiệu đang ở đâu trong thị trường.
Bước 2: Xác định các tiêu chí phân khúc thị trường
Tiếp theo, xác định các tiêu chí để phân loại thị trường thành các phân khúc nhỏ hơn. Như đã nói ở trên, chúng ta có những tiêu chí hay yếu tố để phân khúc thị trường phổ biến như:
- Yếu tố nhân khẩu học: Phân khúc thị trường dựa trên các yếu tố như độ tuổi, giới tính, học vấn, tình trạng hôn nhân và gia đình,…
- Yếu tố hành vi: Phân khúc thị trường dựa trên mức độ tương tác của khách hàng đối với sản phẩm của công ty, tần suất mua hàng, hay mức độ trung thành,…
- Yếu tố địa lý: Dựa vào các yếu tố như nơi ở, khu vực sinh sống, vị trí địa lý cụ thể để phân chia khách hàng, đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu.
- Yếu tố tâm lý: Doanh nghiệp chia nhỏ thị trường dựa vào việc xác định sở thích, thái độ, mối quan tâm đặc biệt của khách hàng đối với các vấn đề khác nhau cũng như sản phẩm của doanh nghiệp.
Công ty cần dựa vào các tình huống cụ thể để có thể lựa chọn tiêu chí phân khúc thị trường phù hợp. Cần phải xem xét đến các yếu tố như đặc điểm sản phẩm, thậm chí là các yếu tố liên quan đến công ty.
Bước 3: Xác định phân khúc thị trường
Dựa trên những yếu tố hay tiêu chí mà bạn đã lựa chọn, bạn sẽ tiến hành phân khúc thị trường. Tiến hành phân loại khách hàng vào những nhóm với những đặc điểm giống nhau theo tiêu chí mà bạn đã lựa chọn. Bạn cũng có thể đặt tên cho các phân khúc để có thể ghi nhớ một cách hiệu quả hơn.
Việc xác định phân khúc thị trường cần có sự xem xét cẩn thận để tránh việc phân khúc sai dẫn đến những định hướng sai về chiến lược. Mỗi phân khúc thị trường nên đáp ứng đủ những tiêu chí sau:
- Quy mô của phân khúc đủ lớn để doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác.
- Khách hàng trong phân khúc có nhu cầu và đủ khả năng chi trả cho sản phẩm.
- Có thể tiếp cận được bằng các phương thức Marketing của doanh nghiệp.
Bước 4: Đánh giá và lựa chọn phân khúc thị trường tiềm năng
Phân tích và so sánh các phân khúc dựa trên các yếu tố như kích thước, tiềm năng, đối thủ cạnh tranh và lợi nhuận. Đánh giá khả năng của doanh nghiệp để cung cấp giá trị tốt nhất cho mỗi phân khúc, và sự đáp ứng của từng phân khúc đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
Dựa trên những đánh giá này, quyết định chọn lựa những phân khúc thị trường có tiềm năng và giá trị cao nhất cho doanh nghiệp, đồng thời có khả năng cạnh tranh với các đối thủ.
Bước 5: Đo lường và đánh giá mức độ hiệu quả
Sau khi đã tiến hành xác định và lựa chọn được các phân khúc thị trường phù hợp, việc quan trọng cuối cùng đó là doanh nghiệp cần tiếp tục đánh giá và đo lường mức độ hiệu quả của các phân khúc đó. Việc đo lường nhằm mục đích xem xét tính hiệu quả và phân khúc đã đáp ứng được yêu cầu của công ty chưa.
Nếu phân khúc thị trường đang hoạt động không hiệu quả, công ty cần có sự điều chỉnh kịp thời để tránh gây ra những tổn thất. Việc đo lường này không phải chỉ làm một lần, mà nó cần được làm liên tục để kịp thời nhận ra những sai sót, tạo điều kiện cải thiện và điều chỉnh.
5. Các nguyên tắc phân khúc thị trường
Các chuyên gia trong lĩnh vực đã nghiên cứu và chỉ ra các nguyên tắc để đảm bảo việc phân khúc thị trường được đúng đắn và chính xác, đồng thời mang lại hiệu quả. Dưới đây là 5 nguyên tắc phân khúc thị trường bao gồm:
- Đo lường được: Quy mô và tiềm năng của các phân khúc cần có thể đo lường được. Điều này giúp doanh nghiệp biết được liệu phân khúc đó có đủ lớn để tiếp cận được hay không.
- Tiếp cận được: Các phân khúc thị trường cần phải có khả năng tiếp cận được thông qua các chiến lược tiếp thị và phân phối. Có như vậy thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được với các khách hàng của phân khúc đó.
- Thực thi được: Các phân khúc thị trường cần có tính thực thi được. Có nghĩa khả năng để phát triển sản phẩm, dịch vụ cũng như các chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của phân khúc.
- Phân biệt được: Điều nó có nghĩa là các phân khúc thị trường cần có những đặc điểm đặc biệt rõ ràng, có thể phân biệt với các phân khúc khác, giúp doanh nghiệp không bị nhầm lẫn.
- Lợi nhuận được: Các phân khúc thị trường có khả năng sinh ra lợi nhuận. Có nghĩa là các phân khúc có đủ nhu cầu cũng như khả năng chi trả cho các sản phẩm của doanh nghiệp.
6. Các tiêu chí ảnh hưởng đến cách phân khúc thị trường
5 tiêu chí ảnh hưởng đến việc phân khúc thị trường
6.1. Tiềm năng và kích thước của thị trường
Bạn chỉ có thể thành công tại một phân khúc thị trường khi nó thật sự có tiềm năng và đủ lớn để bạn có thể kinh doanh. Chính vì vậy, kích thước của phân khúc và tiềm năng của phân khúc là những yếu tố vô cùng quan trọng mà bạn cần phải xem xét.
Bạn có thể để ý tới các thông số xoay quanh những yếu tố này như số lượng khách hàng, doanh thu theo từng mốc thời gian hay tốc độ tăng trưởng của nó. Hãy so sánh kích thước của các phân khúc khác nhau để thấy được phân khúc nào là hợp lý nhất đối với doanh nghiệp.
6.2. Độ đa dạng thị trường cùng mức độ cạnh tranh
Yếu tố tiếp theo cần được xem xét đó chính là mức độ cạnh tranh và độ đa dạng thị trường. Yếu tố này cho thấy được mức độ rủi ro và mức độ khó khăn khi tham gia vào các phân khúc thị trường.
Bạn cần chú ý đến số lượng đối thủ, khả năng của họ, mức độ kỳ vọng của khách hàng, tốc độ thay đổi của thị trường,… Trong một môi trường mà tỷ lệ cạnh tranh quá cao cùng với kỳ vọng của khách hàng là khó đạt thì việc kinh doanh sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Độ đa dạng của thị trường ảnh hưởng đến phân khúc thị trường
6.3. Mức độ khác biệt và đồng nhất của khách hàng
Điều này quan trọng để đảm bảo sự hiệu quả và tính tối ưu của quá trình phân khúc thị trường. Để làm điều này, bạn cần xem xét cẩn thận mức độ đồng nhất và mức độ khác biệt của khách hàng trong cùng một phân khúc, bao gồm cả các yếu tố như tâm lý và hành vi, nhu cầu và mong muốn.
Đồng thời, cân nhắc kỹ lưỡng sự khác biệt giữa các phân khúc để chọn lựa tiêu chí mà có thể tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa các phân khúc và đồng thời đem lại kết quả tối ưu.
Xem thêm: CÁC BƯỚC XÂY DỰNG HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG HIỆU QUẢ NHẤT
6.4. Khả năng tiếp cận và mức độ có thể đo lường
Yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính hiệu quả và sự dễ dàng trong việc triển khai các chiến dịch marketing tại các phân khúc thị trường. Hãy xem xét tới khả năng thu thập thông tin và phân tích dữ liệu về các phân khúc, khả năng tương tác với khách hàng trong phân khúc đó, và khả năng bán sản phẩm cho họ.
Cân nhắc mức độ đo lường và tiếp cận để có thể lựa chọn những phân khúc có khả năng tiếp cận dễ dàng và có thể đo lường. Từ đó giúp nâng cao tỷ lệ thành công.
6.5. Mức độ phù hợp của sản phẩm đối với phân khúc
Yếu tố này sẽ cho thấy được việc phân khúc thị tường của bạn có hợp lý và khả thi không. Do đó, hãy xem xét mức độ phù hợp của sản phẩm đối với phân khúc, liệu sản phẩm có thể thích ứng trong phân khúc thị trường bạn đã xác định hay không?
Hãy chú ý tới những yếu tố như sự hài lòng và sự trung thành của khách hàng đối với sản phẩm hay dịch vụ của công ty, tính tương thích của sản phẩm đối với nhu cầu của khách hàng, cùng với khả năng thích ứng với sự biến động của thị trường.
7. Các lỗi thường gặp khi phân khúc thị trường
7.1. Lỗi phân khúc thị trường quá nhỏ
Lỗi đầu tiên khi tiến hành phân khúc thị trường đó chính là phân khúc quá nhỏ. Khi làm như vậy, số lượng khách hàng tiềm năng sẽ không nhiều, dẫn đến việc giới hạn tiềm năng doanh số và lợi nhuận, công ty sẽ khó có thể phát triển.
Trong phân khúc thị trường quá nhỏ, số lượng các đối thủ không nhiều, có thể dẫn đến tình huống mất cân đối, một số doanh nghiệp có thể giữ vị thế độc quyền và chiếm lĩnh thị trường, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, việc tiếp thị hoặc phân phối sản phẩm cũng có thể gặp khó khăn.
7.2. Tập trung quá mức vào một phân khúc
Việc tập trung vào một phân khúc thị trường có thể có những lợi thế riêng cho doanh nghiệp, hoặc đem lại sự chuyên môn hóa. Trong những tình huống tươi sáng hơn, doanh nghiệp thậm chí có thể chiếm được vị thế độc quyền trong phân khúc đó.
Tuy nhiên, việc làm này lại có rất nhiều lỗ hổng mà có thể gây ra những rủi ro vông cùng lớn cho doanh nghiệp. Đó chính là mất đi sự đa dạng hóa, doanh nghiệp sẽ bị phụ thuộc vào phân khúc đó, như vậy khi phân khúc đó đi đến đoạn thoái trào, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cũng bị suy thoái theo.
7.3. Không có sự linh hoạt
Thị trường luôn có sự biến đổi không ngừng, ngay cả khách hàng cũng vậy. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp không có kế hoạch phân khúc thị trường linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn là một thiết sót lớn.
Điều này sẽ tạo ra áp lực cho việc marketing hay các chiến lược tiếp thị. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần luôn phải sẵn sàng có những kế hoạch và kịch bản để ứng phó với những thay đổi bất ngờ, đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài của công ty.
Phân khúc thị trường thiếu linh hoạt
Xem thêm: BÁN HÀNG CÁ NHÂN LÀ GÌ? VAI TRÒ & QUY TRÌNH BÁN HÀNG CÁ NHÂN HIỆU QUẢ
Phân khúc thị trường là một trong những công việc quan trọng không thể bỏ qua để có được những thành công trong kinh doanh. Việc này không chỉ đem lại lợi ích cho việc xây dựng và triển khai các chiến lược tiếp thị, mà còn giúp doanh nghiệp đạt được những vị thế quan trọng trên thị trường.
Trên đây là bài viết chia sẻ về chủ đề phân khúc thị trường của Tiếng Anh giao tiếp Langmaster. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có được những thông tin cần thiết về chủ đề này. Chúc các bạn thành công nhé.